Search This Blog

VỐI RỪNG-Syzygium cumini-thành phần hóa học, công dụng

VỐI RỪNG



Tên khoa học: 

Syzygium cumini (L.) Skeels; Họ Sim (Myrtaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Syzygium jambolanum (Lam.) DC.; Eugenia jambolana Lam.; Eugenia cumini (L.) Druce

Tên khác: 

Hậu phác nam.

Tên nước ngoài: 

Jambul, black plum, blackberry, Java plum, jambolan (Anh); jambol (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây to. Thân có vỏ dày, cành dẹt sau hình trụ, màu trắng mốc. Lá mọc đối, hình trái xoan hay hình trứng, dài 8-10 cm, rộng 3-9 cm, gốc tròn hoi thuôn, đầu tù có mũi nhọn ngắn, mặt trên màu lục sẫm bóng, mặt dưới nhạt; lá già mỏng, màu nâu nhạt, có tuyến mờ ở mặt dưới; cuống lá dài 1 - 2 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ những lá đã rụng thành chuỳ thưa; hoa màu trắng; đài có răng nhãn nheo; tràng có 4-5 cánh dính nhau thành một khối hình vuông; nhị rất nhiều; bầu ẩn sâu trong đài.
Quả thuôn, hơi cong, lõm ở đỉnh; hạt 1 hình tròn.
Mùa hoa: tháng 3-8.

Phân bố, sinh thái:

Vối rừng có nguồn gốc ở vùng cận nhiệt đới Himalaya. Hiện nay, cây mọc tự nhiên và được trồng rộng rãi ở vùng nhiệt đới Nam Á và Đông Nam Á, như Ấn Độ, Xrilanca, Malaysia, Thái Lan, Philippin, Campuchia, Australia và Việt Nam. Ở Việt Nam, cây phân bố chủ yếu ở các tỉnh phía nam, từ Quảng Nam, Tây Nguyên đến vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Vối rừng thuộc loại cây gỗ lớn, phân cành sớm và nhiều, ưa sáng, sống được trên mọi loại đất. ở vùng núi thấp và trung du, cây mọc ở gần các bờ khe suối hoặc ven rừng thứ sinh gần nguồn nước. Tuy nhiên, cây có khả năng chịu hạn tốt khi đã trưởng thành, ở một số nơi thuộc Ấn Độ hay Xrilanca, cây sống được cả ò những khu vực lượng mưa một năm chỉ vào khoảng 1000 mm.
Vối rừng ra hoa quả nhiều. Mùa hoa quả của cây có thể thay đổi tuỳ theo vùng. Ví dụ ở Philippin, từ tháng 3 đến tháng 7; ở Java, tháng 7-11. Việt Nam: tháng 3-8. Hoa thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng. Cây mọc từ hạt, sau 7 - 8 năm mới bắt đầu có hoa quả, còn ở cây trồng từ cành chiết phải sau 2 - 3 năm. Vối rừng có hoa quả nhiều trong vòng 40 năm. Quần thể cây trồng có nhiều giống phân biệt với nhau bằng quả, khi chín màu tím đen, hay hơi trắng. Cây trồng ở Philippin và Indonesia chủ yếu để lấy quả chín ăn.

Bộ phận dùng:

Lá, vỏ thân (Fructus, Cortex et Folium Syzygii Cuminii), thu hái quanh năm. Còn dùng quả.

Thành phần hoá học:

Phần ăn được của quả chứa 83,7% nước, 0,7% protein, 0,3% chất béo, 0,9% sợi, 14% carbonhydrat, 0,4% tro, chất vô cơ gồm Ca 15 mg%, Mg 35mg%, p 15 mg%, Fe l,2mg%, Na 26mg%, K 55mg%, Cu 0,23mg%, S 15mg%, và Cl 8mg%. Các vitamin có vitamin A 80 IU%, thiamin 0,03 mg%, riboflavin 0,01 mg%, acid nicotinic 0,2 mg%, vitamin C 18mg%, cholin 7 mg%, acid folic 3 mg%, glucose và fructose là 2 đường chủ yếu có trong quả chín, không có succrose, acid malic 0,59%, acid oxalic ít, acid gallic và tanin.
Chất màu trong quả là do sự có mặt của cyanidin diglucosid, phần aglycon thu được sau khi thuỷ phân diglucosid có petunidin và malvidin, phần đường chủ yếu là glucose và galactose không có pentose và raffinose.
Phần sáp ngoài của vỏ quả tươi có sterol, và một lượng nhỏ tinh dầu mà thành phần chủ yếu là acid triterpen hydroxy. Ngoài ra còn có acid oleanolic. (The Wealth of India vol X - 1976. 102)
Sự phát triển của quả có thể chia làm 4 giai đoạn: giai đoạn 1, quả xanh, nhỏ; giai đoạn II, 2 tuần sau khi quả đậu; giai đoạn III, 4 tuần sau khi quả đậu; giai đoạn IV, quả chín hoàn toàn.
Các chất màu tăng từ giai đoạn I đến giai đoạn II và giảm xuống khi quả chín ở giai đoạn III và IV. Các hợp chất phenolic tăng dần, còn các hydric phenol giảm đáng kể từ giai đoạn I đến IV; các antlhocyanin tăng từ giai đoạn I đến IV, còn các đường tổng số tăng trong khi đường khử giảm từ giai đoạn I đến IV.
Gần đây, Kelkar S.M. Kaklij G.s. đã phân lập và tinh chế từ quả được một peptidylglycan và một oligosaccharid với trọng lượng phân tử lần lượt là 6 và 1,2 KD có tác dụng chống đái tháo đường.
Lá vối rừng (thu hái vào mùa đông) có các thành phần như protein 9,1%; cao chiết bằng ether 4,3%, sợi 17%, tro 6%, Ca 6mg, tanin 6,6% - lá cất kéo bằng hơi nước thu được tinh dầu có mùi dễ chịu với các chỉ số sau: tỷ trọng 0,8943 - 0,8986; n20l,4943 - 1,4999; [α]D = -13,2 đến 20,9° (trong CHCl3), chỉ số acid 1,05 - 1,43; chỉ số ester 25,34 - 35,47 và chỉ số este sau khi acetyl hoá 66,89 - 93,1 một thể tích tan trong trong 5 thể tích cồn 90°.
Tinh dầu gồm các terpen: l. limonen và dipenten (20%), sesquiterpen loại cadalam 40%, sesquiterpen loai azulen 10%. (The Wealth of India vol X . 1976, 1002).
Khanra, Roop - Kumar đã xác định trong lá vối các thành phần chính của phần hydrocarbon là myrcen, β. pinen, α terpinen, terpinolen, β phelandren và bornylen, các dẫn chất oxy hoá chứa Me. cinnamat; cuminaldehyd; α terpineol, eugenol và boriieol.
Hạt vối rừng có protein 8,5%; cao chiết ester 1,18%, sợi 16,9%, tro 21,72%, CAO,41%, và P 0,17%.
Hạt còn có tanin 19%, acid ellagic, gallic và 1 - 2% glucosid jambolin, một lượng nhỏ tinh dầu màu vàng sáng (0,05%).
Trong phần không xà phòng hoá có myricyl alcol. Daulatabad, Chirag; Mahinood Jehan D. đã xác định thành phần dầu béo trong hạt vối rừng có acid lauric 2,8%; myristic 31,7%, palmitic 4,7%, stearic 6,5%, oleic 32,2%, linoleic 16,1%, malvanic 1,2%, sterculic 1,8% và veronic 3,0%
Hoa vối rừng có acid oleanolic, các triterpenoid khác như acetyl oleanolic (0,3%) eugenia - triterpenoid A (0,3%) và eugenia triterpenoid B (0,5%), acid ellagic (0,01%) các flavonoid như isoquercitrin, quercetin, kaempferol và myricetin. (The wealth of India voi x, 1976, 1002).
Rajasekaran M. Bapna J. S đã thử tác dụng chống thụ thai của acid oleanolic và cho đây là một chất có tác dụng cai đẻ hứa hẹn và không gây tác dụng phụ ngoài mong muốn.
Vỏ vối rừng chứa tanin 10 - 12%, acid gallic, nhựa, tinh bột và protein, vỏ cành chứa acid betulinic, β sitosterol, friedelin, một ester của epifriedelanol và myricetin.
Rễ vối rừng có các ílavonoid như myricetin-3-O- glucosid và myricetin-3-O-ribonosid
Ngoài ra, trong vối rừng, Wormald Mark. R còn xác định sự có mặt của một glucosid là cauarin-6-α-D-glucosid.

Tác dụng dược lý:

1. Tác dụng hạ đường huyết: 

Hạt của quả vối rừng có tác dụng làm giảm lượng nước tiểu và giảm hàm lượng đường trong nước tiểu, giảm khát do đái tháo đường.
a/ Thử trên thỏ có đường huyết bình thường:
Hạt quả vối rừng dưới dạng hỗn dịch trong nước, với liều 1, 2, 4 và 6g/kg, thấy liều 4g/kg có tác dụng tốt nhất, làm giảm đường huyết 42,6%. So sánh với tolbutamid, liều 250 mg/kg, sau 1 giờ, đường huyết bắt đầu giảm, mạnh nhất sau 3 giờ, giảm 52,1% và kéo dài đến 5 giờ; còn phenformin làm giảm 34,3% và cũng kéo dài được 5 giờ.
Nhân hạt có tác dụng hạ đường huyết mạnh hơn hạt và tác dụng tối đa đạt được lúc 4 - 5 giờ sau khi dùng. Tiêm trong màng bụng liều 1-2 mg/kg hoạt chất (không nêu rõ là hoạt chất gì) phân lập từ hạt quả vối rừng cho chuột cống trắng, thấy lúc dầu đường huyết tăng lên, sau đó giảm và mức giảm bằng 10 - 20% mức đường huyết khi chưa dùng thuốc.
b/ Thử trên chuột cống trắng bị tăng đường huyết do alloxan: Tolbutamid liều 250 mg/kg không thấy biểu hiện tác dụng, phenformin liều 20 mg/kg đã thấy có tác dụng, còn nhân hạt vối từng làm giảm đường huyết có ý nghĩa thống kê ở chuột cống trắng bị tăng đường huyết do alloxan. Điều đó chứng tỏ thuốc có một tác dụng ngoài tuỵ, vì alloxan gây tổn thương tế bào bêta đảo Langerhans ở tụỵ, là tế bào chịu trách nhiệm sản xuất ra insulin.
Một nghiên cứu khác dùng nhân hạt vối rừng trong 14 ngày cho chuột cống trắng bị tăng đường huyết do alloxan, thấy đường huyết, cholesterol huyết thanh và triglycerid huyết thanh đều giảm.
Thí nghiệm dùng dạng cao chiết cồn của hạt vối rừng cũng làm hạ đường huyết ở chuột cống trắng dùng alloxan. Qua nghiên cứu đã rút ra 2 nhận xét quan trọng: 1/ Mức giảm đường huyết tương đối ổn định, thậm chí sau khi ngừng dùng cao được 15 ngày. 2/ Đường huyết không bao giờ giảm đến mức bình thường như khi không dùng alloxan, mặc dầu đã dùng đến liều rất cao.
c/ Điều tra dân Brazil chữa đái tháo đường: Nhân dân vùng Porto Alegre ở Brazil thường dùng lá vối rừng và lá gioi (Syzygium jambos (L.) Alston) để chữa đái tháo đường. Họ dùng lá khô hãm hoặc sắc theo tỷ lệ trung bình là 2,5g/lít (từ 0,2g đến 8g/l), uống mỗi ngày 1 lít thay chè, dùng nhiều ngày. Trong mặt cuộc điều tra 72 ngưòi thì 37 người dùng lá vối rừng, 24 người dùng lá gioi, còn 11 người dùng cả 2 loại. Trong số 37 người dùng lá vối rừng, có 15 người dùng lá khô, 7 người dùng lá tươi, còn 15 người vừa dùng lá tươi vừa dùng lá khô. Lá được thu hái vào bất kỳ mùa nào. Một cuộc điều tra khác trên 100 người bị đái tháo đường, có 91 người đã biết dùng các loại chè để chữa, trong đó dùng nhiều nhất là lá gioi quả tròn, sau đó là lá vối rừng.

2. Tác dụng ức chế sinh tinh trùng: 

Acid oleanolic phân lập từ hoa của cây vối rừng cho chuột cống trắng đực uống trong 60 ngày, rồi ghép với chuột cái, thấy khả năng sinh sản của chuột giảm hẳn, nhưng không thấy thay đổi về trọng lượng cơ thể, cũng như trọng lượng của các cơ quan sinh sản. Tiến hành xét nghiệm tổ chức học thấy acid oleanolic làm ngừng sự sinh tinh trùng, nhưng các tế bào sinh tinh, tế bào Leydig và tế bào Sertoli vẫn bình thường, không bị ảnh hưởng.

3. Tác dụng trên virus: 

Vỏ thân cây vối rừng, cạo bỏ vỏ đen bên ngoài, gĩa nát, ép lấy dịch để thử. Thử in vivo trên hệ phôi gà, dịch ép không có tác dụng ức chế, nhưng thử in vitro dùng màng của túi màng đệm niệu nang (chorioallantoic membranes) phôi gà được 10-11 ngày tuổi, thì dịch ép có tác dụng ức chế sự phát triển của virus. Cao vỏ cây vối rừng cũng có tác dụng ức chế việc nhiễm vữus cho động vật thí nghiệm.

4. Thử độc tính: 

Dùng cá hồi Ctenopharyngodon idella 30 - 60 ngày tuổi, dài 2-3 cm, thả vào các dịch có nồng độ vỏ vối rừng khác nhau. Đã xác định được nồng độ làm chết 50% số cá, LC50 là 0,18%.

Tính vị, công năng:

Vỏ thân, vỏ cành to và lá vối rừng có vị cay, đắng, the, chát, tính ấm, vào kinh tỳ, vị, có tác dụng lợi tỳ vị, tiêu thực, khử ứ trệ, long đờm suyễn, táo thấp. Quả có vị chua, cổ tác dụng nhuận phế, chỉ khái, tinh suyễn, lợi tiêu hoá, lợi tiểu và thông trang tiện.
Vỏ thân, vỏ cành to vối rừng chữa đau bụng, đầy chướng, ăn không tiêu, táo bón, nôn mửa, lỵ, tiêu chảy. Vỏ vối rừng thường vẫn được dùng thay thế vị hậu phác (Magnolia officinalis Rehd. et Wils.) và gọi là hậu phác nam. Ngày 8 - 12 g, sắc uống, hoặc dùng tươi ép nước uống.
Lá vối rừng cũng có thể nấu nước uống như lá vối, giúp tiêu hoá tốt. Dịch ép lá tươi có tác dụng làm săn se để chữa lỵ. Còn dùng chữa đái tháo đường. Ngày 4 - 10g sắc uống.
Ở Campuchia, người ta cho quả vối rừng ngon hơn mận, gioi và được bán ở chợ.
Hạt quả được dùng chữa đái tháo đường. Ngày 4 - 8 g, phơi khô tán bột hoặc sắc uống.

Bài thuốc có vối rừng:

1. Chữa đau bụng, đầy chướng, ăn không tiêu, táo bón:

- Vỏ vối rừng 8 - 12 g sắc uống, thường phối hợp với các vị thuốc khác như bán hạ chế, chỉ thực hoặc chỉ xác, ô dược hoặc hương phụ, trần bì, cát sâm, lượng mỗi thứ 4 - 8 g, sắc uống.
- Vỏ vối rừng 12 g, bán hạ chế 8g, cát sâm sao 8g, cam thảo 4g, sắc uống.
- Vỏ vối rừng, hoàng cầm, mỗi vị 12g, sài hồ 16g, chỉ thực 8g, bán hạ chế 6g, đại hoàng sống 0,4g. sắc uống.

2. Chữa tiêu chảy, nôn mửa:

- Vỏ vối rừng, hoắc hương, vỏ rụt, sa nhân, củ riềng già, mỗi vị 4 - 8g, sắc đặc uống.
- Vỏ vối rừng 12g, nhục đậu khấu, bán hạ chế, hoắc hương, trần bì, mỗi vị 8 g; kha tử 4g, sắc uống.

3. Chữa tiêu chảy, kiết lỵ:

Vỏ vối rừng tươi, cạo bỏ vỏ đen, dùng riêng, hoặc phối hợp với hạt quả vối rừng, lượng bằng nhau, giã nát, ép lấy nước. Người lớn mỗi lần 2 thìa cà phê, trẻ em 1/2-1 thìa, ngày 4-5 lần, cách nhau 3-4 giờ. Trẻ nhỏ dùng nửa thìa trộn với sữa cho dễ uống.

4. Chữa sốt rét:

Vỏ vối rừng, lá thường sơn, thảo quả, lá na, dây thần thông, mỗi vị 4 - 8g, sắc uống.

5. Chữa đái tháo đường:

Hạt quả vối rừng, phơi khô, tán thành bột mịn, ngày 4 - 8 g, dùng nhiều ngày. Có thể dùng cả quả có hạt, phơi khô, tán dập, nấu cao. Một phòng thí nghiệm ở Pháp đã sản xuất một loại thuốc làm hạ đường huyết chế từ cao nước của hạt quả vối rừng và giới thiệu là có tác dụng hạ đường huyết mạnh. Có thể dùng lá, hãm hoặc sắc uống thay chè, ngày 4 - 8g.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com