Search This Blog

VỐI-Cleistocalyx operculatus-công dụng cách dùng

VỐI



Tên khoa học: 

Cleistocalyx operculatus (Roxb.) Merr. & L.M.Perry; Họ Sim (Myrtaceae).

Tên đồng nghĩa:

Eugenia operculata Roxb.

Tên khác: 

Vối nhà.

Tên nước ngoài: 

Lid eugenia (Anh), jambosier à thé (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây to, cao 12 - 15 m, vỏ thân nứt nẻ, màu nâu đen. Cành lúc đầu dẹt sau hình trụ. Lá dày, mọc đối, hình trái xoan hoặc hình bầu dục, dài 9 - 18 cm, rộng 4 - 8 cm, gốc tròn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, gần như cùng màu, soi lên có nhiều tuyến mờ, ở lá già, mặt dưới có những chấm đen; cuống lá ngắn.
Cụm hoa mọc ở kẽ những lá đã rụng thành chuỳ rộng; lá bắc dễ rụag; hoa màu lục nhạt; đài dính vào bầu; tràng có 4 cánh hình tròn hoặc bầu dục, có nhiều tuyến mờ; nhị rất nhiều, xếp thành nhiều hàng; bầu nằm sâu trong ống đài.
Quả hình cầu hoặc hình bầu dục, mặt ngoài nhăn nheo, khi chín màu tím.
Mùa hoa quả: tháng 4-5.

Phân bố, sinh thái:

Chi Cleistocalyx Blume gồm một số loài phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới Đông Nam Á.  Việt Nam có 3 loài. Vối là cây đặc hữu của vùng Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc. Ở Việt Nam, vối mọc tự nhiên dọc theo các bờ suối hay bò các ao hồ ở vùng núi thấp và trung du, thuộc các tỉnh Cao Bằng (Hà Quảng, Thông Nông, Thạch An ...); Lạng Sơn (Đồng Mỏ, Hữu Lũng); Bắc Giang (Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế...); Vĩnh Phúc (Lập Thạch, Tam Dương); Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Tây, Hoà Bình... Cây vối còn được trồng rải rác trong nhân dân các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Cây được trồng ở bờ ao vừa để chống sạt lỏ đất, vừa tận dụng khoảng không gian.
Vối thuộc loại cây gỗ ưa sáng, ưa ẩm, sinh trưởng và phát triển nhanh; trong vòng 3 năm đầu, chiều cao thân có thể đến 5 m. Cây phân cành nhiều; chồi và lá non ra nhiều trong mùa xuân hè. Những cây mọc ỏ chỗ được chiếu sáng đầy đủ ra hoa quả rất nhiều, tái sinh tự nhiên từ hạt khoẻ. Ngoài ra, để cho cây có nhiều cành lá người ta thường chặt bớt cành hàng năm, nhằm kích thích cho sự sinh chồi mới. Chồi mới mọc ra theo kiểu lưỡng phân; những chồi phát triển thành cành có trên một năm tuổi mới ra hoa quả.

Cách trồng:

Cây vối được trồng rải rác trong nhân dân. Mỗi gia đình thường chỉ trồng 1 -2 cây lấy lá và nụ để nấu nước uống.
Vối được trồng bằng hạt. Người ta thường ươm hạt thành cây con hoặc đánh các cây vối con mọc xung quanh gốc cây mẹ đem trồng. Thời vụ trồng vào mùa xuân hay mùa thu đều được.
Vối không kén đất nhưng ưa ẩm nên thường được trồng ở bờ ao, góc vườn, chân đồi. Khi trồng, đào hố sâu rộng tuỳ theo kích thước của cây giống, với khoảng cách 4 - 6m. Cần đảm bảo đủ ẩm cho đến khi cây bén rễ.
Cây không cần chăm sóc, ít sâu bệnh.

Bộ phận dùng:

Vỏ cây thu hái vào mùa hạ, thu, phơi khô. Còn dùng lá tươi và nụ hoa phơi khô (Gemma Florifera, Cortex et Folium Cleistocalycis Operculati).
Theo Nguyễn Xuân Dũng và cs., 1994, tinh dầu lá vối có 30 thành phần, trong đó các thành phần chính là (Z) -β -ocimen 32,1%, myrcen 24,6%, β-caryophylen 14,5% và (E)-β-ocimen 9,4% (nhận dạng bằng sắc ký khí và sắc ký khí liên hợp với khối phổ).
Theo Trung dược từ hải I, 1993, tinh dầu lá có 27 thành phần gồm humulen; 3, 6, 8, 8 - tetramethyl - 3 - hydro - 7 - methylenazulen, nerolidol.
Vỏ cây chứa một chất triterpen nhóm olean nhận dạng là acid arjunolic. Chất này có tính kháng 5 chủng nấm ngoài da với hoạt tính tương tự griseofulvin.
Nụ vối có 9 thành phần đã được phân lập trong đó 8 chất đã được nhận dạng là 2’, 4’- dihydroxy - 6’- methoxy - 3’, 5’ - dimethylchalcon, 5,7- dihydroxy - 6, 8 - dimethylflavon, 7 - hydroxy - 5 - methoxy - 6, 8 - dimethylflavanon, ethyl galat, acid galic, acid ursolic, β-sitosterol và acid cinamic.
Nụ vối còn có tinh dầu gồm 35 thành phần, trong đó có myrcen, geraniol, cis-caryophylen, 8 - muurolen, alo - aromadendren, δ-cadinen, farnesol (Trung dược từ hải I, 1993).

Tác dụng dược lý:

Năm 1968, Phòng Y học thực nghiệm - Viện Y học cổ truyền đã tiến hành nghiên cứu tác dụng kháng khuẩn của lá và nụ vối, và kết luận như sau: lá vối ở tất cả các giai đoạn phát triển và nụ vối đều có tác dụng đối với một số chủng vi khuẩn gram + và gram tác dụng mạnh nhất đối với Streptococcus hemolyticus, liếp đến Bacillus diphtheriace, StaphylococcusPneumococcus. Hoạt chất kháng khuẩn tan trong nước và các dung môi hữu cơ, bền vững với nhiệt độ và các môi trường có pH từ 2 - 9.
Theo tài liệu Trung Quốc, lá vối tươi vò nát vắt lấy nước, pha loãng, bằng đường uống hoặc cho thẳng vào dạ dày, có tác dụng giải độc lá ngón (Tân y học 1978 - 9/6 - 286).

Tính vị, công năng:

Lá và nụ vối có vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng sát trùng, giải biểu, tán nhiệt, khử thấp, hoá trệ. Vỏ thân cây vối có vị cay, tính ôn, có tác dụng sát trùng, chỉ dưỡng (làm hết ngứa).

Công dụng:

Từ xưa, nụ và lá vối đã được nhân dân Việt Nam nấu nước uống vừa thơm vừa có tác dụng tiêu cơm, nhuận tràng. Liều dùng hàng ngày: 10 - 20g. Lá vối tươi hay khô sắc đặc là thuốc sát trùng dùng rửa mụn nhọt, lở ghẻ.
Ở Trung Quốc, nụ vối được dùng chữa sốt, đau đầu, ăn không tiêu, lỵ trực trùng, viêm dạ dày - ruột cấp. Với liều hàng ngày là 15 - 30g, sắc nước uống. Vỏ thân, sắc nước, dùng rửa ngoài chữa viêm loét kẽ chân, ghẻ lở, viêm nang lông.

Bài thuốc có vối:

1. Chữa tiêu chảy:
1. Lá vối 3g, vỏ rộp cây ổi 8g, núm quả chuối tiêu lOg, thái nhỏ phơi khô, sắc với 400 ml nước còn lOOml, chia làm 2 lần uống trong ngày.
2. Vỏ vối 100g, vỏ sung 100g, lá ổi 100g, lá phèn đen 100g, vỏ cây đại 50g, hạt vải 50g, quế 30g. Tất cả phơi khô, tán thành bột mịn, luyện với hồ làm thành viên to bằng hạt đậu xanh. Người lớn ngày uống 12g, chia làm 2 lần. Trẻ em tùy theo tuổi giảm liều.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com