Search This Blog

RÁY GAI-Lasia spinosa-Công dụng cách dùng

RÁY GAI



Tên khoa học: 

Lasia spinosa (L.) Thwaites; Họ Ráy (Araceae).

Tên đồng nghĩa: 

Dracontium spinosum Linnaeus, Sp. Pl. 2: 967. 1753; Lasia aculeata Loureiro; L. crassifolia Engler; L. desciscens Schott; L. hermannii Schott; L. heterophylla (Roxburgh) Schott; L. jenkinsii Schott; L. loureiroi Schott; L. roxburghii Griffith; L. zollingeri Schott; Pothos heterophyllus Roxburgh; P. lasia Roxburgh; P. spinosus (Linnaeus) Buchanan-Hamilton ex Wallich.

Tên khác:

Củ chóc gai, sơn thục gai, rau mác gai, mớp gai, rau chân vịt, khoai sọ gai, cây cừa, klạng đờn (K'Ho).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, cao 0,4 - 0,7 m. Thân rễ nằm ngang, chia nhiều đốt. Lá mọc thẳng từ thân rễ, mép nguyên, lá non hình mũi tên, lá già xẻ lông chim, các thùy hình mác, đầu nhọn, mặt dưới có gai ở gân giữa; cuống lá mập, dài hơn phiến lá, phủ đầy gai, gốc có bẹ.
Cụm hoa là một bông mo, có cuống dài hơn hoặc bằng mo, có gai; mo mở ở phần gốc và xoắn lại ở phần trên; trục hoa hình trụ ngắn, mang toàn hoa lưỡng tính; bao hoa có 4 - 6 thùy; nhị 4 - 6, chỉ nhị ngắn; bầu hình trứng.
Quả mọng, có gai ngắn ở đỉnh.
Mùa hoa quả : tháng 3-4.

Phân bố, sinh thái:

Lasia Lour, là một chi nhỏ có 2 loài, phân bố ỏ vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á, thuộc các nước Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Srilanca, Campuchia, Lào, Việt Nam và một phần lãnh thổ phía nam Trung Quốc, ở Việt Nam, chỉ có một loài là ráy gai, phân bố rải rác khắp các địa phương ở vùng đồng bằng, trung du và núi thấp.
Ráy gai là loại cây ưa nước, có thể chịu bóng, thường mọc thành đám lớn ở bờ ao hồ, bờ suối hay kênh rạch. Cây sinh trưởng, phát triển gần như quanh năm, ra hoa quả nhiều và có khả năng đẻ nhánh khỏe. Khi quả chín rụng, phát tán nhờ nước.
Việt Nam có nguồn ráy gai tương đối dồi dào. Bên cạnh quần thể mọc tự nhiên, người ta còn trồng ráy gai dọc theo bò ao để tránh xói lở, và tạo thêm nơi trú ngụ cho cá.

Bộ phận dùng:

Thân rễ, thu hái vào mùa thu đông, phơi hoặc sấy khô. Khi dùng, ngâm nước phèn và nước gừng, rồi đồ cho mềm, thái mỏng, sao.

Thành phần hóa học:

Ráy gai chứa flavonoid, hợp chất phenol, acid hữu cơ, acid amin, đường (Trung dược từ hải II, 1996).
Toàn cây còn có saponin triterpen. Thân rễ chứa tinh bột. Bông mo có acid hydrocyanic (The Wealth of India VI, 1962).

Tính vị, công năng:

Thân rễ ráy gai eó vị cay, tính ấm, có tác dụng tiêu đờm, trừ suyễn như vị bán hạ và thanh nhiệt, giải độc.

Công dụng:

Nhân dân ở vùng có ráy gai mọc thường hái lá non về làm rau ăn, luộc hoặc muối dưa. Theo kinh nghiệm nhân dân, ráy gai thường được dùng chữa ho, đau bụng, phù thũng, tê thấp, lưng, đầu gối đau, bàn chân tê buốt, suy gan, di chứng do sốt rét. Ngày dùng 6 - 12g dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu.
Trong kháng chiến chống Mỹ, bộ đội miền Đông Nam Bộ đã dùng rộng rãi ráy gai để chữa viêm gan, vàng da, cơ thể suy nhược sau khi bị sốt rét có kết quả tốt. Năm 1973, Xưởng Dược X5 thuộc Phòng Quân Y- B2 đã sản xuất viên ráy gai, dùng điều trị trên lâm sàng và viên ráy gai phối hợp với bột nghệ để làm thuốc bổ gan.
Ở Trung Quốc, ráy gai được dùng chữa ho, phế nhiệt, nước tiểu vàng đỏ. Ở Malaysia, ráy gai là một thành phần trong bài thuốc chữa ho. Ở Indonesia, nước hãm của rễ dùng cho đàn bà sau khi đẻ; nước sắc rễ và thân chữa các cơn đau thắt.

Bài thuốc có ráy gai:

1. Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt:

Ráy gai, cẩu tích, huyết đằng, kim cang, ngưu tất, mỗi vị 12g. Sắc nước hoặc ngâm rượu uống.

2. Chữa thiên trụy:

Ráy gai 12g, hạt vải 10g, lá trâu cổ 10g. Tất cả thái nhỏ phơi khô, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, chia làm 2 lần uống trong ngày.

3. Chữa viêm gan vàng da hoặc suy gan:

 Ráy gai 12 - 16g sắc uống trước bữa ăn 1 tiếng rưỡi, ngày 2-3 lần uống. Để tăng hiệu quả, có thể phối hợp với diệp hạ châu, nhân trần, mã đề, mỗi vị 12g. Uống liền 3 - 4 tuần tới khi các triệu chứng thuyên giảm hoặc ráy gai phối hợp với nghệ vàng, mỗi vị 12g, sắc uống, ngày 1 thang, trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần lễ.

4. Chữa cơ thể suy nhược sau sốt rét hoặc các di chứng sau sốt rét:

Ráy gai ngày 12g sắc uống hoặc ráy gai, đảng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, cam thảo mỗi vị 12g, sắc uống.

5. Chữa tê thấp, bàn chân tê buốt:

Ráy gai, kê huyết đằng, cẩu tích, tỳ giải, ngưu tất, mỗi vị 12g, sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần trước bữa ăn. Uống liền 3 - 4 tuần lễ đến khi các triệu chứng thuyên giảm. Để tăng hiệu quả, nhất là trường hợp hai bàn chân tê buốt, có thể sau mỗi lần sắc thuốc, thêm một củ gừng tươi khoảng 20g, rửa sạch, giã dập cho vào bã của lần sắc cuối cùng, thêm ngập nước, đun sôi 30 phút. Gạn lấy nước này, để vừa ấm, ngâm ngập 2 bàn chân khoảng 30 phút rồi lau khô.

6. Chữa đau lưng, đau gối, đau xương khớp:

 Ráy gai, ngũ gia bì, ngưu tất, cẩu tích, cốt toái bổ, bạch thược, đỗ trọng, trần bì, mỗi vị 20g, ngâm rượu uống.

7. Chữa viêm tinh hoàn:

Ráy gai 12g, lệ chi hạch (hạt vải): gọt bỏ vỏ đỏ, cắt bỏ rốn hạt, thái mỏng 3 - 5mm, sao vàng; lá trâu cổ (lá vẩy ốc) sao vàng, mỗi vị 10g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần trước bữa ăn. Uống nhiều thang cho tới khi các triệu chứng thuyên giảm.

8. Chữa ho do phế nhiệt, nước tiểu vàng, đậm màu:

Phối hợp ráy gai với bạc hà, mạch môn, huyền sâm, râu ngô, mỗi vị 10 - 12g sắc uống, ngày 1 thang. Uống liền 1 - 2 tuần đến khi hết các triệu chứng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com