RÁY
Tên khoa học:
Alocasia macrorrhizos (L.) G.Don; Họ
Ráy (Araceae).
Tên khác:
Ráy dại, dã vu, khoai sáp.
Tên nước ngoài:
Big - rooted taro, giant alocacia, giant taro, kopeh root (Anh).
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây thảo, cao 0,5 - 1 m, có thể đến 2 - 3 m ở chỗ đất
ẩm, nhiều mùn. Thân rễ dài và mập, mọc bò ngang, có nhiều đốt. Lá to, có cuống
mập, dài và bẹ to ôm thân, hình trái xoan - mũi mác, gốc hình tim có hai tai
to, đầu tù hoặc hơi nhọn, mép lượn sóng, hai mặt nhẵn, mặt trên màu lục sẫm
bóng.
Cụm hoa là một bông mo, mọc ở kẽ lá; mo gồm phần dưới
phình thành ống thuôn, màu lục nhạt, mang hoa cái hình trụ; phần trên hình phiến,
đầu nhọn, màu lục hay vàng nhạt, dài gấp đôi phần ống, sớm rụng, bao bọc hoa
không sinh sản và hoa đực; hoa đực có các nhị tụ lại thành hình thoi hoặc hình
6 cạnh; hoa cái có bầu thuôn dài.
Quả mọng, hình trứng, màu đỏ.
Loại ráy có lá quăn nhiều, dùng tốt hơn. Mùa hoa quả
: tháng 1-5.
Phân bố, sinh thái:
Chi Alocasia (Schott)
G. Don có khoảng 70 loài, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đói châu Á và Đông Bắc
Australia (Nguyễn Văn Dư, 2000). Ở Ấn Độ có 12 loài, Malaysia 13 loài và Việt
Nam 10 loài. Ráy là loài có kích thước lớn nhất so với những loài khác cùng
chi, phân bố rộng rãi từ Ấn Độ, Srilanca đến Nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam và
các nước khác ở vùng Đông Nam Á. Ở một số nơi, cây còn được trồng ở công viên để
làm cảnh.
Ở Việt Nam, ráy phân bố tập trung ở các tỉnh miền
núi phía bắc, trong khi đó ở miền Nam, thường thấy ở độ cao khoảng 800 m trở
lên. Cây đặc biệt ưa ẩm, hơi chịu bóng, mọc ở ven rừng hay dọc hành lang ven suối.
Trong các quần hệ rừng núi đá vôi ẩm ở Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang,
Yên Bái, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng sơn..., ráy mọc tương đối tập
trung thành những đám lớn đến hàng ngàn mét vuông. Trong một số vùng rừng
nguyên sinh ẩm, ráy cũng được coi là cây tiên phong trên đất trống (do cây bị đổ
hay khai thác chọn). Tuy nhiên, sau khi có cây gỗ xâm nhập, che bóng hoàn toàn,
quần thể ráy dưới tán dần dần bi đào thải.
Ráy ra hoa quả hàng năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ
hạt. Cây còn có khả năng tái sinh dinh dưỡng khỏe, bằng cách mọc chồi gốc sau
khi bị chặt hoặc tạo thành cây con từ các khúc thân (thân rễ) khi được vùi xuống
đất.
Cách trồng:
Ráy chủ yếu được nhân giống bằng phương pháp vô
tính. Có thể dùng củ non, cây nhánh còn non hoặc củ bánh tẻ đem cắt thành từng
đoạn có ít nhất 2 đốt, chấm mặt cắt củ vào tro bếp để trồng. Thời vụ trồng tốt
nhất vào mùa xuân. Cũng có thể nhân giống bằng hạt.
Ráy được trồng với quy mô nhỏ. Mỗi gia đình thường
trồng vài gốc ở chỗ râm mát, thường xuyên có ẩm. Khi trồng, chỉ cần xới xáo đất,
bổ hốc trồng với khoảng cách 70 - 80 cm. Nếu có rác mục phủ lên càng tốt. Sau
khi cây mọc, thỉnh thoảng dùng nước phân, nước giải pha loãng để tưới. Ráy
không cần chăm sóc nhiều, ít sâu bệnh, trồng một lần có thể thu hoạch nhiều
năm.
Bộ phận dùng:
Thân rễ thu hái quanh năm (Radix et Caulis Alocasiae
Macrorrhizae), gọt bỏ vỏ, thái mỏng, ngâm trong nước sạch từ 5 đến 7
ngày, thay nước thường xuyên, rồi phơi khô. Nếu dùng tươi, phải rang với gạo
cho đến khi gạo cháy, rồi thêm nước đun sôi đến khi gạo mềm nhừ thì vót ra.
Còn dùng rọc ráy.
Thành phần
hóa học:
Thân rễ ráy chứa chất alocasin. Theo tài liệu Trung
Quốc, ráy có trigochin, isotrigochin, các men, β-glucosidase, campestrol, các
vitamn A, D2 (Trung dược từ hải III. 231).
Tài liệu Ấn Độ cho rằng chất gây kích ứng của ráy là
do oxalat calci - Ráy còn chứa 20 - 45% tinh bột (The Wealth of India vol I,
1948, 60)
Vish Wanath. W cho biết chất oxalat calci bị giảm đến
41,3% khi ủ ở nhiệt độ 18 - 23° trong 7 ngày. Còn khi ủ với lượng tương đương
nước, thì lượng oxalat có thể giảm 84,4%.
Hàm lượng oxalat calci trong vỏ và lá ráy là 400
mg/10g trọng lượng tươi.
Wada, Kushiro, Sakai Harumi xác định chuỗi acid amin
của các chất isoprotein Fd A và Fd B chiết được từ loại ráy ở Papua New Ghinea
là chuỗi đơn polypepsid gồm 97 và 98 đơn vị. Cả hai đều có trọng lượng phân tử
là 10.800 Da.
Argall, Many E đã chiết được từ ráy một chất ức chế
trypsin và chymotrypsin, chất này gồm 184 chuỗi acid amin có trọng lượng phân tử
là 19774 Da.
Windluc R. S và Arora J. S. lại chiết được các chất
lectin : hematoglutinin, lymphoaglutinin và sperm aglutinin từ 7 loài ráy ởẤn Độ.
Wang - Dong ; J. Benren cũng chiết được từ ráy một
chất ức chế trypsin là AM T.I bằng phương pháp sắc ký, lọc gel sephaclex. Chất
này ức chế một đầu (single headed inhibiton) bền vững ở các pH và nhiệt độ khác
nhau (CA. 126, 1997, 208860 h).
Trong ráy có các men polyphenol oxydase. Các chất
cyanid cũng được phát hiện trong lá và cành ráy với hàm lượng 20 - 30 HCN/100g
lá tươi và 0,5 - 4 mg HCN/100 cành. (Bradbury, J. Howard, Egan Sylvia).
Ngoài ra, trong ráy còn có các α-caroten, retinol,
vitamin D2, β - caroten 0-300 mg/kg.
Thiamin 12 - 123 µg/100g riboflavin (12 - 59 µ.g/100g)
và acid nicotinic 220 - 1310 µ.g/100g (Brad Bury, J. H; Singel).
Gần đây, Nguyễn Quyết Tiên, Phạm Hoàng Ngọc và Trần
Vân Hiền nghiên cứu về thành phần cây ráy mọc hoang dại ở phía bắc Việt Nam đã
phân lập được hai chất: một chất được xác định cấu trúc là stigmas - 5,22
dien-3 ol và chất kia là acetat thuộc loại sterol. (Tạp chí : Dược liệu. Số 4 -
2001 tập 6 trang 106).
Tác dụng dược lý:
Ráy được dùng điều trị có kết quả cho hơn 300 người
bị rắn cắn. Trừ một ngưồi không có hiệu quả, tất cả bệnh nhân đã hồi phục. Đã
điều trị bổ sung với những liệu pháp cổ truyền của địa phương, và thời gian
trung bình để hồi phục là 15,5 ngày. Những nghiên cứu thực nghiệm và lâm sàng
cho thấy ráy có hiệu quả trong điều trị bỏng và vết thương phần mềm.
Tính vị, công năng:
Ráy có vị nhạt, cay, ngứa, tính hàn, có độc nhiều,
ăn vào gây ngứa trong họng và miệng.
Công dụng:
Thân rễ ráy được dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân
dân, chủ yếu chữa bệnh ngoài da như mề đay, đơn ngứa, lở khó chữa, sần da chảy
nước (nấu nước tắm rửa), mụn nhọt, ghẻ, đơn sưng bàn tay, bàn chân, trĩ rò, trượt
ngã bị thương, rắn cắn (giã đắp), sưng vú (giã với cám, đắp). Nhân dân còn dùng
thân rễ ráy cắt; rồi xát vào chỗ bị tấy ngứa do tiếp xúc với lá han.
Ở tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc, thân rễ ráy được dùng
uống chữa sốt rét, thũng độc, ngứa lở rụng hết lông. Ngày 10 - 15g. Trong y học
dân gian Ấn Độ, dịch ép từ thân ráy có tác dụng chữa bọ cạp cắn. Ở Java, rễ và
lá ráy là thuốc gây sung huyết da trị đau khớp.
Bài thuốc có ráy:
1. Chữa mụn nhọt:
a) Thuốc đắp để phá vỡ mủ: Rọc ráy, lá xoan, muối,
liều iượng bằng nhau, giã nhỏ, trộn đều, đắp ngày 2 lần.
b) Cao dấn hút mủ và lên da : Thân rễ ráy 100g; nghệ
già 50g; sáp ong, nhựa thông, mỗi vị 30g; dầu vừng 500 ml, cóc vàng một con đốt
tồn tính. Cho dầu vừng, nghệ, ráy đun sôi đến khi nghệ và ráy teo lại, gạn bỏ
bã, cho sáp ong vào đun tan sáp, cho bột cóc, nhựa thông quấy cho tan đều. Lấy
một giọt nhỏ vào đĩa không thấy loang ra là được. Rửa sạch mụn nhọt bằng nước
lá trầu không và kinh giới, rồi lấy miếng giấy chọc thủng ở giữa và phết cao
lên giấy. Ngày dán một lần.
2. Chữa sốt rét:
Thân rễ ráy (đã chế biến) 10 - 20g, sắc với 200 ml
nước còn 50 ml, uống làm một lần trong ngày.
3. Chữa cảm không ra mồ hôi:
Thân rễ ráy giã nát, hơ nóng, bọc bằng miếng vải,
đánh khắp ngưòi như kiểu đánh gió.
4. Chữa ghẻ:
Dọc ráy đem nướng, vắt lấy nước. Mấu ống giang đốt
thành than, tán bột. Trộn đều hai thứ. Bôi ngày 2 - 3 lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 Comment:
Post a Comment