Search This Blog

RAU XƯƠNG CÁ-Malachium aquaticum-Công dụng cách dùng

RAU XƯƠNG CÁ



Tên khoa học:

Malachium aquaticum (Linn.) Fries; Họ: Cẩm chướng (Caryophyllaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Stellaria aquatica (L.) Scop.

Tên khác: 

Rau hến, phồn lâu.

Tên nước ngoài:

Stellarie aquatique, céraiste d'eau (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, sống dai, cao 20 - 25 cm. Thân mọc bò, sau đứng thẳng, mảnh, nhẵn ở phần dưới và có tuyến ở phần trên, bén rễ ở các đốt. Lá mọc đối, dài khoảng 2,5 cm, rộng 2 cm, gốc hình tim, đầu nhọn, gân 3, gân giữa thường rất rõ; những lá ở dưới có cuống, lá ở trên không cuống.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân hoặc kẽ lá thành chùm thưa; hoa nhỏ màu trắng; đài 5 răng có lông ở mặt lưng; ttàng 5 cánh, dài bằng lá đài, xẻ sâu thành 2 thùy hẹp; nhị 10, chỉ nhị phình ở gốc; bầu hình cầu, 1 ô.
Quả nang, hình cầu, nứt thành 10 mảnh; hạt hình thận.
Mùa hoa quả: tháng 3-5.

Phân bố, sinh thái:

Rau xương cá phân bố chủ yếu ở khu vực có khí hậu mát thuộc vùng cận nhiệt đới châu Á, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, Lào và ở vùng núi cao Thái Lan. Ở Việt Nam, cây phân bố tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía bắc, ở độ cao từ 600 đến 1000m, như Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Yêa Bái, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An (Kỳ Sơn)...
Rau xương cá là cây ưa ẩm, chịu bóng và có thể hơi ưa sáng, thường mọc thành đám dày ở các ruộng ngô, nương rẫy, ven rừng và ven đường đi. Cây mọc từ hạt vào khoảng tháng 3 - 4; sinh trưởng nhanh trong vụ xuân - hè; sau khi có hoa quả, cây bắt đầu vàng úa và tàn lụi. Hạt của rau xương cá tồn tại được 6 - 7 tháng trên mặt đất, chịu được nhiệt độ thấp về mùa đông và sẽ nảy mầm vào mùa xuân năm sau.
Rau xương cá được coi là loài cỏ dại đối với cây trồng. Tuy nhiên ở những nơi trống, cây lại có dụng phủ đất, tránh xói mòn.

Bộ phận dùng:

Phần trên mặt đất, thu hái quanh năm (Herba Myosotonis Aquatici).

Thành phần hóa học:

Rau xương cá chứa nước 89,7%, protein 3,3%, glucid 1,4%, chất xơ 3,7%, tro 1,9%, Ca 80 mg%, P 1,2 mg%, caroten 9,2 mg% và vitamin C 48 mg% (Võ Văn Chi, 1997).

Tính vị, công năng:

Rau xương cá có vị nhạt, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tiêu thũng.

Công dụng:

Rau xương cá đôi khi được dùng nấu canh ăn. Theo kinh nghiệm dân gian, rau xương cá được dùng trong những trường hợp sau:
- Chữa mụn nhọt: Rau xương cá tươi (60 g) giã nát thêm rượu vừa đủ, sắc nước uống, đồng thời dùng cây tươi giã nát đắp ngoài.
- Chữa kiết lỵ: Rau xương cá tươi (30 g), sắc nước thêm ít đường kính uống.
- Chữa trĩ: Rau xương cá tươi (90 - 120 g), sắc thành nước đặc, thêm ít muối, dùng nước sắc rửa và xông.
Lá sắc uống là thuốc lợi sữa. Ở Trung Quốc, rau xương cá được dùng chữa viêm phổi, cao huyết áp, kinh nguyệt không đều, liều dùng: 15 - 30 g dưới dạng nước sắc. Dùng ngoài, rau xương cá với lượng vừa đủ giã nát đắp, hoặc đùng nước sắc rửa và xông. Rau xương cá (15 g), nấu với đậu phụ thành thức ăn - vị thuốc chữa cao huyết áp. Rau xương cá non xào ăn trong thời gian dài có thể chữa tóc bạc sớm.

Bài thuốc có rau xương cá:

1. Chữa viêm nội mạc tử cung, viêm cổ tử cung, viêm phần phụ:

Rau xương cá 60 g, đào nhân 6 g, mẫu đơn bì 9 g. Sắc nước uống làm 2 lần trong ngày.

2. Chữa hạch bạch huyết cổ sưng đau:

Rau xương cá 30 g, côn bố 30 g, đường kính vừa đủ. Sắcnước uống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com