Search This Blog

RAU THỦY-Veronica undulata-công dụng cách dùng

RAU THỦY



Tên khoa học: 

Veronica undulata Wall.; Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Veronica anagallis-aquatica subsp. undulata (Wall.) Elenevsky         

Tên nước ngoài: 

Water speed - well (Anh); véronique mouron, mouron d'eau, petit beccabongue (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo nhẵn, cao 10-40 cm. Thân mọc bò ở gốc sau đứng thẳng, hình trụ rỗng, ít phân nhánh. Lá mọc đối, không cuống, ôm thân, hình mác, dài 5 -15 cm, gốc hình tim, đầu nhọn, nguyên hoặc hơi khía răng.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá thành chùm dài 6 - 15 cm, lá bắc thuôn; hoa nhiều, nhỏ, màu trắng, hơi lam hoặc hồng; đài có 4-5 răng thuôn nhọn; tràng hình bánh xe, 4 - 5 cánh; nhị 2, thò ra ngoài tràng.
Quả nang, dẹt, hơi lõm ở đầu; hạt nhiều hơi dẹt, hình thấu kính.
Mùa hoa quả: tháng 2-5.

Phân bố, sinh thái:

Chi Veronica L. có 1 - 2 loài ở Việt Nam, trong đó có cây rau thủy.
Rau thủy vốn là cây của vùng ôn đới ấm và cận nhiệt đới, sau phát triển cả ở những vùng núi nhiệt đới. Cây phân bố ở Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Bắc Việt Nam, Bắc Lào và Thái Lan. Ở Việt Nam, rau thủy có ở các tỉnh vùng núi sát biên giới Trung Quốc, gồm Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn; gần đây cũng tìm thấy ở Hòa Bình, Hà Tây và Ninh Bình ... Cây ưa sáng, thường mọc trên đất ẩm ở ven rừng, nương rẫy (nơi gần bờ suối), ruộng trồng hoa màu và ven đường đi. Cây sinh trưởng phát triển mạnh trong mùa mưa ẩm, ra hoa quả nhiều; hạt phát tán xung quanh gốc cây mẹ, nảy mầm vào đầu mùa xuân. Vào thời kỳ sinh trưởng mạnh nếu bị cắt, phần còn lại của cây vẫn tái sinh cây chồi mới.

Bộ phận dùng:

La, rễ (Herba Veronicae Undulatae).

Thành phần hóa học:

Rau thủy có 2 iridoid ester glucosid - 7 - O - (p. hydroxybenzoyl) 8 - epiloganic acid và 7 - O - (p. hydroxybenzoyl) gardosid. Ngoài ra, còn aucubin, catalpol, vernicosid, amphicosid, catalposid, verprosid, minecosid và verminosid (Compendium of Indian Medicinal plants, vol.5 (1990 - 1994), 1998)

Tính vị, công năng:

Toàn cây rau thủy có vị đắng, tính mát hơi hàn, có tác dụng thanh nhiệt, lợi thấp, chỉ huyết, hóa ứ, khu phong. Quả có vị đắng, tính bình, có tác dụng hoạt huyết, chỉ huyết, giải độc, tiêu thũng.

Công dụng:

Toàn cây rau thủy được dùng chữa cảm sốt, ho ra máu, họng sưng đau, rối loạn kinh nguyệt, phong thấp. Ngày 20 - 30 g cây tươi sắc uống hoặc 10 - 15 g cây khô nghiền thành bột uống với nước. Hạt được dùng chữa đau họng, lao phổi, ho ra máu, kinh nguyệt không đều, thấp khớp, các chứng xuất huyết. Ngày 9 - 12 g sắc uống, hoặc tán bột, uống với nước tiểu trẻ con. Rễ, sắc hoặc mài với rượu rồi ngậm chữa viêm miệng, viêm họng.

Bài thuốc có rau thủy:

1. Chữa kinh nguyệt không đều^kinh nhiều, đau bụng kinh:

Rau thủy 30 g hoặc hạt của cây 9 g, ích mẫu 15 g, đương quy 10 g, sắc uống.

2. Chữa ho ra máu:

Rau thủy 18 g; long nha thảo, ngẫu tiết, mỗi vị 15 g, sắc uống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com