Search This Blog

RAU SẮNG-Melientha suavis-Công dụng cách dùng

RAU SẮNG



Tên khoa học: 

Melientha suavis Pierre; Họ: Rau sắng (Opiliaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Melientha acuminata Merr.      

Tên khác: 

Rau ngót rừng, rau sứng, rau ngót núi, phjăc van (Tày).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây gỗ nhỏ, cao 4 - 8 m. Thân nhẵn, cành non màu lục nhạt, sau trắng xanh, giòn, dễ gãy. Lá mọc so le, hình bầu dục thuôn, dài 7-15 cm, rộng 2-4,5 cm, gốc thuôn, đầu nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm, mặt dưới bóng; cuống lá dài 2 - 4 mm.
Cụm hoa mọc ở thân và kẽ những lá đã rụng, thành bông dài 12 - 13 cm; hoa nhỏ và nhiều, tạp tính gồm hoa đực và hoa lưỡng tính, màu lục nhạt, mùi thơm; tràng 4-5 cánh; nhị 4-5.
Quả hình trái xoan, dài 2-3 cm, rộng 1,5 - l,8cm, khi chín màu vàng nhạt; 1 hạt.
Mùa hoa: tháng 2-3; mùa quả: tháng 6-8.

Phân bố, sinh thái:

Melientha Pierre là chi đơn loài, song loài rau sắng lại có 2 phân loài là M. suavis Pierre spp. suavis có quả hình bầu dục, dài 2,3 - 3,0 cm và M. suavis Pierre spp. macrocarpa Hiepks có quả hình trứng ngược, dài 3,5 - 4,0 cm. Rau sắng phân bố rộng rãi ở các nước Thái Lan, Malaysia, Philippin, Lào và Việt Nam. Cây còn được trồng ở một số địa phương thuộc Bắc Thái Lan.
Ở Việt Nam, rau sắng phân bố tự nhiên ở nhiều tỉnh thuộc vùng núi phía bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La và Hà Tây... Rau sắng là loại cây ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng; thường mọc ở rừng ẩm (dọc theo bờ suối) núi đất và đặc biệt là loại hình rừng núi đá vôi. Độ cao thường thấy từ 300 đến 500m. Ở Thái Lan còn thấy cây ở cả độ cao 1500 m. Ở những cây không bị ngắt ngọn làm rau sẽ ra hoa quả hàng năm. Hoa của rau sắng thơm; quả chín ãn được và cũng là thức ăn ưa thích của chim, sóc... và theo chúng hạt giống được phát tán đi khắp nơi. Rau sắng trồng được bằng hạt hay bằng cành. Năm 1999, cùng với một nhóm các nhà lâm nghiệp, chúng tôi đã trồng thử rau sắng bằng cành (ở xã Phúc Sen, Quảng Hòa, Cao bằng). Kết quả 70% số cành trồng đã tạo thành cây mới. Rau sắng còn có khả năng tái sinh cây chồi khoẻ sau khi bị chặt.

Bộ phận dùng:

Lá, rễ (Folium et Radix Melienthae Suavis).

Thành phần hóa học:

Rau sắng chứa protid 6,5 - 8,2%, trong đó có 0,23% lysin, 0,19% methionin, 0,08% tryptophan, 0,25% phenylalanin, 0,45% threonin, 0,22% valin, 0,26% leucin và 0,23% isoleucin.
Ngoài ra, còn có carbohydưat, chất xơ, vitamin C và caroten. (Đỗ Tất Lợi, 1977 và 1999; Trần Công Khánh, 2002).

Công dụng:

Rau sắng thường được hái lá non, lá bánh tẻ, hoa, quả non xào hay nấu canh ăn. Canh rau sắng dùng nấu suông, vẫn ngon ngọt, đậm đà.
Rễ rau sắng được dùng để trị sán (theo Lê Kim Biên - Tập san sinh vật địa học - 11 - 1972).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com