Search This Blog

RAU RÚT-Neptunia oleracea-công dụng cách dùng

RAU RÚT



Tên khoa học: 

Neptunia oleracea Lour.; Họ Đậu, phân họ Trinh nữ (Mimosaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Neptunia prostrata (Lam.) Baill.

Tên khác: 

Rau nhút.

Tên nước ngoài: 

Neptunier (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, sống ở nước. Thân ngầm, mộc bò ngang, bao bọc bởi phao xốp màu trắng, bén rễ ở các mấu. Lá mọc so le, kép lông chim hai lần, lá chét nhiều, nhỏ, dài 0,5-2 cm, rộng 0,2 - 0,4 cm, xếp đều đặn, sít nhau từng đôi một; cuống dài 5-7 cm, gấp khúc ở gốc.
Hoa mọc thành đầu, màu vàng, dài 6-15 cm; đài hình chuông; tràng 5 cánh rời nhau; nhị 10; bầu nhẵn.
Quả chứa 6 hạt dẹt, nhẵn.
Mùa hoa quả: tháng 9-12.

Phân bố, sinh thái:

Chi Neptunia Lour, chỉ có một loài rau rút ở Việt Nam. Về nguồn gốc chưa biết chính xác, song có thể gặp rau rút mọc tự nhiên (ở vùng Đông Nam Á) và được trồng rải rác khắp các vùng nhiệt đói ở cả hai bán cầu. Những nước trồng nhiều rau rút là Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Lào, Vỉệt Nam và cả ở phía nam Trung Quốc. Cây trồng chủ yếu để lấy ngọn non làm rau ăn.
Ở Việt Nam, rau rút là cây trồng quen thuộc ở hầu hết các tỉnh đồng bằng, trung du và cả vùng núi thấp (Lạng Sơn, Cao bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên...), Rau rút là cây chỉ sống được ở nước, ưa sáng và thường được trồng theo kiểu thả bè ở các đầm, ao, hồ. Ở Thái Lan, người ta còn trồng rau rút bằng cách cắm cành xuống bùn ở những ruộng nước nông. Sau khi thân và cành vươn dài, đưa thêm nước vào ruộng cho cây nổi lên mặt nước. Lá rau rút thường khép lại nhanh chóng khi có những va chạm nhỏ đột ngột. Hiện tượng này được giải thích là do sự rút nước nhanh chóng từ phiến lá chét vào cuống lá.
Rau rút sinh trưởng mạnh trong mùa hè - thu, nhờ hệ thống rễ chùm đặc biệt phát triển, cây có thể hút được các chất vô cơ và hữu cơ hòa tan trong nước. Rau rút có khả năng sinh chồi khoẻ, chỉ sau 7-10 ngày ngắt ngọn, cây lại cho thu hoạch lứa tiếp theo.

Bộ phận dùng:

Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hay phơi sấy khô.

Tính vị, công năng:

Rau rút có vị ngọt, tính lạnh, có tác dụng bổ năm tạng hư yếu, làm tan khí trệ ở gân xương, tiêu bướu cổ và làm mạnh gân xương.

Công dụng:

Rau rút được dùng chữa bướu cổ bằng cách ăn rau rút hàng ngày, liền trong một tháng hoặc lâu hơn. Để chữa sốt cao, mất ngủ, bí tiểu tiện, dùng 30 g rau rút giã vắt lấy nước cốt uống. Hoặc ăn canh rau rút nấu với khoai sọ, cua đồng.

Chú ý: 

Rau rút tính lạnh, người tạng hàn ăn thì đầy bụng, trẻ nhỏ ăn thì chân yếu. Có ý kiến cho rằng ăn rau rút luôn thì mắt mờ và tóc sớm rụng.

Bài thuốc có rau rút:

1.      Chữa bướu cổ:

Rau rút 30 g; cải trcd 20 g; mạch môn, sinh địa, mỗi vị 15 g; sài hồ, kinh giới, xạ can, mỗi vị 8 g. sắc uống ngày một thang.

2. Chữa sốt cao, không ngủ được, nóng ruột, tiểu tiện không thông:

Dùng rau rút giã nhỏ, vắt lấy nước cốt uống.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com