Search This Blog

UY LINH TIÊN chữa thấp khớp

UY LINH TIÊN



Tên khoa học: 

Clematis chinensis Osbeck; Họ Hoàng liên (Ranunculaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Clematis minor L.

Tên khác: 

Dây mộc thông, dây ruột gà.

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Dây leo, mọc thành bụi, dài hàng mét. Thân hơi hóa gỗ, hình trụ, nhẵn, có cạnh và khía dọc, phần nhiều cành mảnh. Lá kép mọc đối, lá chét 5, ít khi 3, hình bầu dục, gốc tròn hoặc hơi hình tim, đầu nhọn, hai mặt nhẵn hoặc có ít lông thưa và áp sát, gân chính 3; cuống lá dài bằng lá chét, thường vặn xoắn.
Cụm hoa mọc ỏ kẽ lá thành xim; lá bắc nhỏ; hoa màu trắng; đài 4 răng ahọn, có lông ở mép; nhị nhiều, chỉ nhị dẹt; bầu gồm những noãn có lông.
Quả bế, hình trứng dẹt, tận cùng bằng một vòi nhụy dài gấp 6-10 lần bầu, có lông màu dạng lông chim, màu vàng nhạt.
Mùa hoa ; tháng 6 - 8 ; mùa quả ; tháng 9-11.
Tránh nhầm với dây bạch tu (Naravelia laurifolia Wall.), lá có tua cuốn chẻ ba.

Phân bố, sinh thái:

Chi Clematis L. có các loài phân bố chủ yếu ở vùng cận nhiệt đới hoặc ôn đới ấm Bắc bán cầu; một số ít loài có ở vùng nhiệt đới. Ở Việt Nam, có khoảng 15 loài, tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía bắc. Loài uy linh tiên phân bố ở Trung Quốc, Đài Loan, đảo Hải Nam, Bắc Lào và Bắc Việt Nam. Ở Việt Nam, uy linh tiên thường gặp ở các tỉnh miền núi giáp biên giới với Trung Quốc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và một số tỉnh khác: Yên Bái, Sơn La, Tuyên Quang, Hoà Bình, Thái Nguyên... Cây ưa ẩm và có thể hơi chịu bóng, thường mọc ở ven rừng, rừng thứ sinh, bờ nương rẫy nhất là ở các vùng rừng núi đá vôi (Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai...). Độ cao từ 300 m trở lên. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; hạt có túm lông thuận lợi trong việc phát tán nhờ gió. Uy linh tiên còn có khả năng tái sinh cây chồi khỏe sau khi bị chặt phá.

Bộ phận dùng:

Rễ (Radix Clematidis Chinensis), thân thu hái quanh năm, rửa sạch, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô, rồi chế biến như sau:
- Uy linh tiên phiến : Đem rễ rửa sạch, để ráo nước, cắt đoạn 3-5 cm, phần gốc rễ thái phiến, phơi hoặc sấy khô.
- Uy linh tiên chích rượu (uy linh tiên 10 kg, rượu 2 kg): Đem rượu trộn vào uy linh tiên ủ 1 giờ; rồi sao tới khô.
- Uy linh tiên sao khô : Đem dược liệu đã cắt đoạn, sao nhỏ lửa cho đến khi khô.
- Uy linh tiên đồ : Dược liệu đã cắt đoạn hoặc phiến rồi đồ 1 giờ, phơi khô.

Thành phần hóa học:

Rễ uy linh tiên chứa protoanemonin, anemonin, ranunculin và clematosid (Võ Văn Chi-Từ điển cây thuốc VN 1999, 393).
Từ rễ, Song Chunping; Xu rensheng đã chiết và xác định cấu trúc một hợp chất vòng là clemochinenosid A.
Shao Baoping, Qin Guo Wei lại chiết được các saponin triterpen đặt tên là clematichiaenosid A, B, C có cấu trúc là
. 3 - O - β - D. ribopyranosyl (1->3) - α - L - rhamopyranosyl - (1 -> 2) - α - L – arabinopyranosyl oleanolic acid -28-O-β-D - glucopyranosyl ester.
. 3 - O - β - D. glucopyranosyl - (1 -> 4) - β - D - ribopyranosyl - (1 -> 3) α - L - rhamnopyranosyl - (1 -> 2). α. L arabinopyranosyl - hederagenin - 28 - O - α - L. Rhamnopyranosyl - (1 -> 4) β - D - glucopyranosyl (1 6) p - D - glucopyranosyl ester.
. 3 - O - β - D. glucopyranosyl - (1 -> 4) - β - D - ribopyranosyl - (1 -> 3) - α. L - rhamnopyranosyl - (1 -> 2) - α. L arabinopyranosyl - oleanolic acid - 28 – O - α. L. rhamnopyranosyl (1 -> 4) - β - D - glucopyranosyl - (1—>6)-β D - glucopyranosyl ester. Ngoài ra còn có acid olelanolic, hederagenin, và huzhon gosid B. (Phytochemistry 1995; 38 (6) 1473. 9).
Xu Ren Sheng; Zho Weimin đã tách được 11 chất saponin có tác dụng sinh học.
Từ phần trên mặt đất của uy linh tiên, các tác giả Shao Bao Ping; Wang Ping đã chiết được chất clematichineol là một pyranocoumarin, các hợp chất phenolic khác là (+) - syringaresinol; (-) syringaresinol - 4' - O - β - D. glucosid; acacetin - 7 - α - L. rhamnopyranosyl - (1 -> 6) - β - D. glucopyranosid và một hợp chất lacton digiprolacton.

Tác dụng dược lý:

1. Tác dụng trên cơ trơn:

Cho chó đã gây mê uống nước sắc rễ uy linh tiên thấy tăng nhu động thực quản cả tần số và biên độ. Ở người khi hóc xương, phần trên của thực quản và họng bị co thắt, nếu uống uy linh tiên sẽ làm giãn cơ và tăng nhu động thực quản, nên xương có thể rơi thoát ra.
Trên một thỏ cô lập, nước sắc uy linh tiên có tác dụng đối kháng, ức chế tác dụng gây co bóp của histamin. Còn chất protoanemonin 1/100 đối kháng được với tác dụng gây co thắt khí quản của dung dịch histamin ở nồng độ 0,01%.

2. Tác dụng lợi mật:

Dịch chiết từ rễ uy linh tiên thí nghiệm trên thỏ gây mê làm tăng lưu lượng mật tiết ra và làm cơ thắt Oddi giãn ra.

3. Tác dụng trên ký sinh trùng sốt rét:

Nước sắc thân và rễ nhỏ uy linh tiên cho chuột nhắt trắng uống với liều hàng ngày 0,27 g/kg, liền trong 3 ngày, rồi cho nhiễm ký sinh trùng sốt rét, thấy thuốc ức chế được tỷ lệ chuột nhiễm so với lô đối chứng.

4. Tác dụng thúc đẻ:

Dùng chuột nhắt trắng có thai giai đoạn cuối. Trước 7-8 ngày dự kiến chuột đẻ, tiêm bắp dịch chiết bằng cồn loãng rễ uy linh tiên liều tính theo dược liệu khô là 15 g/kg, dùng luôn 5 ngày; thấy 80% chuột ra thai.

5. Tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm:

- Cao lá uy linh tiên có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm khá mạnh, có lẽ do chất anemonol có trong lá.
- Dùng phương pháp khoanh giấy, tẩm nước sắc rễ uy linh tiên 100% rồi đặt trên môi trường thạch thấy thuốc ức chế sự phát triển của Staphylococcus aureus, Shigella dysenteriae và nấm Trichophyton.
- Chất protoanemonin có nồng độ tối thiểu ức chế Staphylococcus aureus là 1/60.000, Escherichia coli là 1/83.000 - 1/33.000 và nấm là 1/100.000.

6. Tác dụng giảm đau:

 Bài thuốc chữa thấp khớp của Viện Y học cổ truyền Hà Nội gồm uy linh tiên 14%, hy thiêm 30%, tang ký sinh 10%, dây đau xương 10%, kê huyết đằng 10%, tầm xuân 10%, gai tầm xoọng 10%, huyết giác 6% với liều 5 và 10 g/kg, có tác dụng giảm đau trên mô hình gây đau quặn bụng do tiêm phúc mạc dung dịch acid acetic cho chuột nhắt trắng.

7. Độc tính:

Chất protoanemonin có tác dụng kích thích da, nếu tiếp xúc lâu sẽ nổi phồng. Uống liều cao sẽ bị xuất huyết dạ dày, thậm chí tử vong.

Tính vị, công năng:

Rễ uy linh tiên có vị cay, mặn, tính ấm, ít độc, có tác dụng khu phong, trừ thấp, hành khí, thông kinh lạc, chỉ thống. Thân cây có vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng, tiêu viêm.

Công dụng:

Rễ uy linh tiên được dùng chữa phong thấp, đau nhức gân xương tiêu hóa kém, tiểu tiện khó, ít sữa, ngộ độc rượu. Ngày 3 - 9g sắc uống, ớ Trung Quốc, rễ là thuốc chữa thiên đầu thống, co giật cơ, co duỗi khó khăn, nấc nghẹn, hóc xương, sốt rét, vàng da, kinh nguyệt không đều.
Thân được dùng thay thế vị mộc thông dưói dạng cao chiết, ngâm trong rượu vang, uống khi bị tổn thương cơ học do đụng dập đòn ngã, xuất huyết trong. Liều dùng hàng ngày 6 - 16g.
Chú ý : Tài liệu Dược tài đông y có ghi khi uống thuốc không được uống nước chè và ăn canh miến.

Bài thuốc có uy linh tiên:

1. Chữa tê thấp, thấp khớp:

Rễ uy linh tiên 12g; quế chi, phụ tử chế, độc hoạt, cam thảo, mỗi vị 8g; sắc chia 2 lần uống trong ngày. Có thể dùng độc vị rễ uy linh tiên, phơi khô, tán nhỏ, uống mỗi lần 4 - 8g với rượu, ngày 2 - 3 lần.
Nếu bị thấp khớp mạn tính, thể nhiệt với biểu hiện là sốt nhẹ, sưng đau, rêu lưỡi vàng, lưỡi đỏ, táo bón dùng rễ uy linh tiên, cốt toái, thạch cao, kê huyết đằng, đan sâm, sinh địa, rau má, hy thiêm, khương hoạt, độc hoạt, thiên hoa phấn, thổ phục linh, mỗi vị 12g, bạch chỉ 8g, cam thảo 4g, sắc uống ngày một thang.

2. Chữa đau dây thần kinh cổ, cánh tay:

Rễ uy linh tiên, hoàng kỳ, đương quy, bạch thược, sinh khương, mỗi vị 12g; cát căn, độc hoạt, mộc qua, mỗi vị 16g; đại táo 10g; quế chi 8g; cam thảo 6g. Sắc chia 2 lần uống trong ngày.

3. Chữa đau dây thần kinh hông:

Rễ uy linh tiên, độc hoạt, đan sâm, tang ký sinh, ngưu tất, xuyên khung, mỗi vị 12g; phòng phong, quế chi, tế tân, chỉ xác, trần bì, mỗi vị 8g. sắc chia làm 2 lần uống trong ngày.

4. Chữa phù thũng, hoàng đản, bạch đới:

Thân uy linh tiên 15 - 20g; sắc uống dùng riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác.

5. Chữa hóc xương:

Rễ uy linh tiên 3 phần, thảo quả 2 phần, rễ bạch liễm (Ampelopsis japonica (Thunb.) Makino) 2 phần. Sắc đến tỷ lệ 1:1. Uống dần dần mỗi lần 10 - 15 ml phối hợp với cùng thể tích giấm. Có thể dùng rễ uy linh tiên phối hợp với rễ cây muối lượng bằng nhau. Cách dùng như  trên.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com