TỬ UYỂN
Tên khoa học:
Aster tataricus L. f.; Họ: Cúc
(Asteraceae).
Tên khác:
Thanh uyển, dã ngưu bàng.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây thảo, sống lâu năm, cao 1 - 1,2 m. Thân mọc thẳng,
có lông thưa, phân cành nhiều. Lá phía gốc tụ tập như kiểu mọc vòng, phiến dày
hình bầu dục thuôn, dài 20 - 40 cm, rộng 6-12 cm, gốc thuôn hẹp, đầu hơi nhọn
hoặc tù, hai mặt có lông dày, mép khía răng nhỏ; cuống lá dài có rìa; lá phía
trên mọc so le, nhỏ hẹp hơn và gần như không cuống.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân gồm nhiều đầu; hoa hình thìa
ở xung quanh, màu đỏ tím; hoa hình ống ở giữa, màu vàng.
Quả nang, hơi dẹt, màu nâu tím, có lông.
Mùa hoa : tháng 9-11.
Phân bố, sinh thái:
Chi Aster
L. gồm những loài đều là cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm bắc bán cầu,
một số loài ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới châu Á và châu Mỹ. Ở Việt Nam,
chi này có 3 - 4 loài, phân bố tập trung ở các tỉnh phía bắc, trong đó có 3
loài được gọi là "tử uyển" và dùng làm thuốc như ;
- Aster
ageratoides Turcz., phân bố chủ yếu ở vùng núi cao giáp biên giới với Trung
Quốc, như Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn ... (Võ Văn Chi, 1997).
- Aster
tataricus L. f. và Aster trinervus
Roxb., phân bố ở Cao Bằng, Lạng Sơn (A. Pételot, 1952).
Tử uyển là cây ưa khí hậu ấm mát của vùng nhiệt đới
núi cao, có độ cao từ 600 đến 1600 m, thường mọc lẫn với các loại cây bụi nhỏ,
cây thảo khác ở ven rừng, ven đường đi, trong các trảng cỏ hoặc đồi cây bụi.
Cây ra hoa vào vụ thu đông; hoa nở dần từ dưới lên trên và từ ngoài vào trong.
Khi quả già, phần trên mặt đất tàn lụi. Hạt có mào lông, phát tán nhò gió, tái
sinh tự nhiên tốt. Trồng dễ dàng bằng hạt.
Bộ phận dùng:
Rễ đào về rửa sạch đất cát, phơi hoặc sấy khô (Radix
Asteris), rồi bào chế dưới các dạng sau :
- Tử uyển phiến: Rễ rửa sạch để ráo nước, thái phiến
dài 3 - 5 cm, dày 1-3 mm, phơi hoặc sấy khô.
- Tử uyển sao: Tử uyển phiến sao nhỏ lửa đến màu
vàng đậm hoặc hơi cháy.
- Tử uyển sao cám (tử uyển phiến 10 kg, cám gạo 3
kg): Đun chảo cho nóng, cho cám vào đảo đều khi bốc khói rồi cho tử uyển phiến
vào, đảo đều cho có màu vàng, mùi thơm; rây bỏ cám.
- Tử uyển chích mật ong (tử uyển phiến 10 kg mật ong
2 kg): Đun mật ong trộn đều với tử uyển phiến, ủ 30 phút cho ngấm đều. Dùng lửa
nhỏ sao đến khi có màu vàng. Cũng có thể đem mật hòa loãng, đun sôi rồi cho tử
uyển phiến vào đảo đều, sao đến khi có màu vàng, sờ không dính tay là được.
- Tử uyển chưng: Lấy tử uyển phiến cho vào thùng gỗ
chưng cách thủy 30 phút đến 1 giờ, lấy ra phơi khô.
Thành phần hóa học:
Từ rễ tử uyển, Nagao Tsuneatsu và Okabe Hikaru đã
tách được 2 chất monoterpen glycosid là shionosid A và B với cấu trúc là β - D
- apiofuranosyl - (1 -> 6) - β - D - glucopyranosid và α. L. rhamnopyranosyl
(1 -> 6) β - D - glucopyranosid của L. endo - camphanol - [(IR, 2R, 4S) - 3
- 3 - dimethyl - bicyclo - [2,2,1] hept - 2 - yl - methanol.
Cheng Dongliany, Shao Yu đã xác định cấu trúc của
shio nosid c tách từ rễ là L. endocamphanol - 8 - o - 3,5; isopropyliden - β -
D. apiofuranosyl - (1 -> 6) β - glucopyranosid.
Các Aster saponin A, B, C, D, F, F1 G
(thuộc loại olean).
Cheng Dongliang; Shao Yu tách từ rễ chất
astersaponin G có cấu trúc là : 3 - O - [αL arabinopyranosyl - (1 -> 6) - β
- D. glucopyranosyl] (2β, 3β, 16α) trihydroxy olean - 12 - en. 28 oic acid
(acid asterogenic) 28 - O - (β - D - xylopyranosyl - (1 -> 4) α
rhamnopyranosyl - (1 -> 2) β - D- xylopyranosyl ester.
Năm chất astersaponin loại acid echynocystic và
glucuronid Ha Hb Hc Hd He và foetidissimosid A (Kireng eshomassaponin I) đã được
chiết từ phần trên mặt đất của tử uyển. Các saponin này có một cấu trúc
prosapogenin chung là acid echynocystic 3 - O - glucopyranosiduronic acid, chỉ
khác nhau ở dây nối đường nối với C28.
Astersaponin Ha là - 28 - [α, L. arabinopyranosyl]-
ester.
. Hb là - 28 [- O - α - L. rhamnopyranosyl (1 ->
2)] α. L. arabinopyranosyl] ester.
. Hc là - 28 - [- O - β - D. xylopyranon (1 -> 3)
- α. L arabinopyranosyl] ester.
. Hd là 28 - [O - β - D. xylopyranosyl (1 ->• 3)
- O - β - D. xylopyranosyl - (1 4) - O - L - rhamnopyranosyl (1 -> 2) - α -
L - arabinopyranosyl] ester.
. He là 28 [O - β - xylopyranosyl (l->3)-O-β- D
xylopyranosyl - (l->4)-O-β-D - apiofuranosyl
- (1 -> 3) [O.α. L. rhamnopyranosyl (1 -> 2) α.
L. arabinopyranosyl ester của prosapogenin.
Morita H, Nagashima S, trong quá trình nghiên cứu
các hợp chất chống u từ cây cỏ, đã phát hiện các peptid trong rễ tử uyển có hoạt
tính chống u đáng kể, đã tách và tinh chế các astin A J với cấu trúc là những
pentapeptid vòng có chứa một hoặc hai nguyên tố clo trong phân tử.
Cheng Dong Liang, Shao Yu đã chiết và xác định nhóm
chất oligopeptid là asterin A, B, C
Theo trung dược từ hải, rễ tử uyển còn chứa shionon,
epifriedelinol, endocamphanol foetidissimosid A; kirengeshomasaponin I; L. endo
- 8 - O - 3 -5 - isopropyliden - β - D - apio furanosyl (1 -> 6) β - D -
glucopyranosid, asterin và 9 cyclo chlorotin
Shirota Osamu; Morita Hiroshi đã tách và xác định
epifriedelinol có tác dụng độc với tế bào (cytotoxic).
Trong rễ tử uyển còn có chứa quercetin.
Tác dụng dược lý:
1. Tác dụng lợi đờm, chống ho:
Thí nghiệm trên thỏ gây mê dùng phương pháp theo dõi
sự phân tiết phenolsulfonphthalein ở đường hô hấp, nước sắc tử uyển có tác dụng
lợi đờm rõ rệt và kéo dài 4 giờ. Trên chuột cống trắng, dạng chiết của tử uyển
dùng bằng đường uống cũng có tác dụng tăng cường sự phân tiết của khí phế quản.
Thí nghiệm trên mèo gây ho bằng phương pháp tiêm dung dịch iôt vào lồng ngực phải,
dạng nước sắc tử uyển dùng bằng đường uống không có tác dụng giảm ho, nhưng thí
nghiệm trên chuột nhắt trắng gây ho bằng phương pháp phun xông amoniac lại có
tác dụng giảm ho rõ rệt.
2. Tác dụng kháng khuẩn:
Thí nghiệm trên ống kính, tử uyển có tác dụng ức chế
các chủng Escherichia coli, Shigella dysenteriae, Salmonella typhi, Salmonella paratyphi, Bacillus
pyocyaneus và Vibrio cholerae.
3. Tác dụng chống ung thư:
Các thành phần chiết được từ tử uyển như astin A,
astin B với liều 0,5 mg/kg và astin C với liều 5 mg/kg đối với tế bào sarcom
180 trên chuột nhắt trắng, có tác dụng ức chế rõ rệt. Chất epifriedelinol đối với
u báng Erhlich có tác dụng ức chế nhất định.
Tính vị, công năng:
Tử uyển có vị đắng, cay, tính ôn, vào các kinh phế,
tâm, có tác dụng tán hàn, nhuận phế, hóa đòm, chỉ khái, hạ khí.
Công dụng:
Trong y học cổ truyền, tử uyển được dùng chữa hen,
khí suyễn, ho nhiều đờm, ho nôn ra máu mủ, đau họng, viêm phế quản cấp và mạn
tính, tiểu tiện bất lợi. Ngày 6 - 12g, dưới dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Chú ý
bệnh nhân có thực nhiệt không nên dùng.
Tử uyển thường dùng phối hợp với quất hồng bì để chữa
ho có đờm; với khoản đông hoa chữa ho nhiều, viêm phế quản mạn tính; với thông
thảo, phục linh chữa tiểu tiện bất lợi, đái ít nước tiểu đỏ; với xuyên bối mẫu,
tri mẫu, a giao chữa phế âm bất túc, ho có đờm máu; với cát cánh, cam thảo, hạnh
nhân chữa ho do phong hàn, viêm họng.
Bài thuốc có tử uyển:
1. Chữa ho lâu ngày, đờm rãi tắc ở họng hoặc đờm có mấu:
Tử uyển 9g, tiền hồ 6g, kinh giới 6g, bách bộ 6g, bạch
tiền 6g, cát cánh 3g, cam thảo 3g. Sắc nước uống.
2. Chữa trẻ em ho không ra tiếng:
Tử uyển và hạnh nhân, 2 vị bằng nhau, tán nhỏ trộn với
mật chế thành viên bằng hạt ngô. Ngày uống 3-4 viên, chia làm nhiều lần.
3. Chữa trẻ em ho, có tiếng khò khè trong cổ, thở khó:
Tử uyển 30g; hạnh nhân (bỏ vỏ), tế tân, khoản đông
hoa, mỗi vị 0,3g. Tất cả nghiền thành bột, mỗi lần uống 1g với nước cháo loãng.
Ngày 2 - 31ần.
4. Chữa chứng hư lao, ho, đờm có máu mủ:
Tử uyển, nhân sâm, tri mẫu, bối mẫu, cát cánh, cam
thảo (hoặc ngũ vị tử, hoặc phục linh, a giao). Mỗi vị dùng với liều thích hợp.
Sắc nước uống.
5. Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng nhiều:
Tử uyển, hồng hoa, nga truật, quế chi (bỏ vỏ thô)
hương phụ (sao giấm), các vị lượng bằng nhau, phơi khô, tán nhỏ, rây bột. Ngày
uống 2 lần, mỗi lần 8g với ít rượu (Nam dược thần hiệu).
0 Comment:
Post a Comment