Search This Blog

CÁ NÓC và tetrodotoxin alkaloid độc chết người

CÁ NÓC



Têu khác: 

Cá cóc, cá bống biển, cá đùi gà, thốc ngư.

Tên nước ngoài: 

Sea - orb (Anh), tetraodon (Pháp).

Họ: 

Cá nóc (Tetraodontidae).

Mô tả:

Có nhiều loài thuộc những chi và họ khác nhau. Một số loài thường gặp là:
- Cá nóc chấm sao (Arothron hispidus). Thân to, thô, miệng hơi nhô, bụng phình to, mắt lồi. Mặt lưng màu nâu đen có nhiều chấm trắng như sao. Quanh mắt và vây ngực, có những đường vòng trắng và nâu đen. Bụng mào trắng, vây ngực màu vàng, vây lưng và vây hậu môn màu nâu đen nhạt có chuỗi chấm trắng chạy doc theo đuôi. Kích thước dài đến 51 cm.
Cá nóc chấm sao: Arothron hispidus
Cá nóc chấm sao: Arothron hispidus Linnaeus
- Cá nóc dẹt (Canthigaster rivulatus). Thân hơi dài, đầu to, lưng gù, mắt tròn to, bụng màu trắng. Thân cá nhỏ có nhiều sọc bé vằn vện, màu nâu đen, khi lớn eác sọc kẻ dần biếĩi thành những chấm đen hình tròn. Vây đuôi có 5 - 7 vạch ngang hình cung màu nâu đen. Vây ngực, vây lưng và vây hậu môn màu xám. Dài khoảng 16 cm.
- Cá nóc mào chấm sữa hay nóc rùa (Chelonodon patoca). Thân tương đối dài, đầu dài vừa, mắt tròn và nhỏ. Mặt lưng và bụng có gai nhỏ phân bố dày. Mặt lưng màu nâu vàng kèm theo rất nhiều chấm trắng. Kích thước tối đa dài 35 cm.
- Cá nóc chấm đen (Tetranodon nigropunctatus). Thân thô, miệng nhỏ, mắt tròn to hơi lồi. Mặt lưng màu xám, càng xuống phía bụng càng sáng, ở hai bên hông và mặt bụng có nhiều chấm đen, các vây đều xám đậm. Quanh mắt và miệng có vành màu xám đen. Kích thước dài 30 cm.
(Theo Ngô Trọng Lư - Viện Thuỷ sản).

Phân bố, sinh thái:

Trên thế giới, hiện nay có khoảng gần 100 loài cá nóc, phân bố ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, cư trú ở vùng rạn san hô, tầng đáy hoặc sát đáy, thường gặp ở gần bờ, cửa sông và cả ở nước lợ. Ở vùng biển Việt Nam, có 66 loài cá nóc thuộc 12 giống và 4 họ (theo Viện nghiên cứu hải sản), phân bố dọc bờ biển từ bắc vào nam, nhiều nhất ở ven biển miền trung. Cá nóc có đặc tính khi gặp kẻ thù hoặc bị kích thích, để tự vệ, nó ngậm miệng lại, làm phồng bụng lên to như quả bóng, rồi nằm ngửa để mặc nước cuốn trôi. Cá nóc là loại ăn thịt hoặc ăn tạp. Đến mùa sinh sản, cá thường bơi ngược vào sông để đẻ.
Cá nóc xuất hiện gần như quanh năm, nhiều nhất vào tháng 5-6 và 9-10. Sản lượng đánh bắt cá nóc hiện nay vào khoảng 300 - 400 tấn mỗi năm.

Bộ phận dùng:

Cá nóc được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là hà đồn. Chỉ dùng thịt cá được chế biến rất cẩn thận và bỏ hết phần nội tạng gồm gan, mật, tim, thận, trứng, da và máu.

Thành phần hóa học:

Thịt cá nóc có nhiều protid, lipid, chất khoáng và vitamin. Các bộ phận bên trong cá nóc chứa tetrodotoxin, một chất rất độc. Chất độc này có hàm lượng cao trong mùa cá đẻ.

Tính vị, công năng:

Thịt cá nóc có vị ngọt, tính ấm, có độc, có tác dụng trừ thấp, giảm đau, sát trùng.

Công dụng:

Trước đây, ngư dân vùng biển cho rằng ăn thịt cá nóc sẽ béo khỏe, chống mệt mỏi, đau nhức. Sau thấy nhiều vụ ngộ độc xảy ra, họ không dùng nữa.
Theo Tiến sĩ Trần Đáng, Cục quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, trên thế giới, người ta đã nghiên cứu chất tetrodotoxin để làm thuốc kích thích thần kinh, gây tê, gây mê, giảm đau, chữa một số bệnh tim mạch và ung thư. Chất tetrodotoxin có trong cơ thể cá nóc ở dạng tiền độc tố có tên là tetrodomin không độc, nhưng khi cá bị va đập hoặc bị ươn, chất này sẽ chuyển ngay thành tetrodotoxin rất độc. Thực tế cũng chứng minh khi bắt được cá, ngư dân thường đập chết, làm va đập mạnh, để cá ươn hoặc không loại bỏ hết phủ tạng lúc làm thịt, làm cho chất độc ngấm vào thịt cá (vốn không độc); do đó, người ăn vào sẽ bị ngộ độc. Liều gây độc cho người bình thường là 1 - 4mg, chỉ cần ăn 10 g thịt cá nóc có chất độc là đã bị ngộ độc. Sau khi ăn cá nóc có tetrodotoxin, chất độc hấp thụ nhanh qua dạ dày, đường ruột trong 5-15 phút, đạt nồng độ cao nhất trong máu sau 20 phút và thải trừ qua nước tiểu sau 30 phút đến vài giờ. Triệu chứng ngộ độc là liệt trung khu thần kinh thị giác, thần kinh vận động, rồi đến trung khu hô hấp và tim mạch. Biểu hiện đầu tiên là tê miệng lưỡi, tay chân, sau đến cảm giác chóng mặt, choáng váng, đau đầu, mặt ửng đỏ, toát mồ hôi, đau bụng, nôn mửa, mệt lả, co giật, cứng hàm và lưỡi; cuối cùng, toàn thân suy sụp, da tun tái, nhiệt độ hạ và huyết áp giảm, khó thở, dẫn đến trụy tim mạch, ngừng thở và tử vong.
Hơn nữa, chất độc của cá nóc có sức bền vững cao: Ngâm vào dung dịch acid chlohydric 0,2 - 0,5% trong khoảng 8 giờ mới bị phá hủy, đun sôi ở 100°C trong 6 giờ mới giảm được một nửa, ở 200°C phải mất 10 phút, độc tố mới bị khử hoàn toàn. Do đó, cách nấu cá nóc theo dân gian không thể làm cá mất chất độc được.
Hiện nay, ở Việt Nam, số vụ và người chết vì ngộ độc cá nóc đang ngày một tăng. Năm 1999, cả nước có 12 vụ ngộ độc với 15 người chết; năm 2000, số vụ là 17 và số người chết là 20. Tỷ lệ tử vong ngày càng cao đến 60%. Những vụ ngộ độc cá nóc thường xảy ra ở các tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Phú Yên, thậm chí cả ở Hà Nội và một số tỉnh khác do ăn cá nóc phơi khô. Những vụ ngộ độc thường bắt nguồn từ việc tự đánh bắt chiếm 86%, mua 14%, sử dụng cá tươi 90%, cá khô 56% và nước mắm 27%. Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng đã có chỉ thị số 14/CT-UB về việc nghiêm cấm triệt để việc đánh bắt, lưu thông, mua bán và chế biến cá nóc. Các trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh, thậm chí bị truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cách xử trí ngộ độc cá nóc (theo Quyết định của Bộ Y tế ngày 21/2/2002): Khi có dấu hiệu tê môi, tê tay ở người bị ngộ độc, lập tức gây nôn và cho uống than hoạt với liều 30g/ 250 ml nước sạch cho người lớn, 25g/100 - 200 ml nước sạch cho trẻ 1 - 12 tuổi, 1g/ 50 ml nước sạch cho trẻ dưới 1 tuổi. Có thể cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi uống 1 lọ than hoạt dưới dạng nhũ 30 ml. Sau đó, đưa nạn nhân đến bệnh viện. Uống than hoạt sớm trong vòng 1 giờ sau khi ăn cá sẽ có hiệu quả giải độc cao và khi nạn nhân đã hôn mê hoặc rối loạn ý thức, chỉ còn cách thổi ngạt vào miệng mũi.
Cách đề phòng ngộ độc cá nóc:
- Tốt nhất là không nên ăn cá nóc dù đã chế biến rất cẩn thận.
- Không phơi cá nóc làm cá khô, không làm chả cá nóc, bột cá nóc để ăn và để bán.
- Khi đi biển đánh cá, mỗi gia đình nên có một túi cấp cứu gồm than hoạt (bột hay nhũ) và canun Mago hai chiều (thiết bị hô hấp nhân tạo).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com