Search This Blog

BÁCH HỢP chữa ho

BÁCH HỢP



Tên khoa học: 

Lilium brownii F.E.Brown var. colchesteri Wilson; Họ Bách hợp (Liliaceae).

Tên khác: 

Tỏi trời, tỏi rừng, khẻo ma, sluôn phạ (Tày), kíp pá (Thái), cà ngái dòi (Dao).

Tên nước ngoài:

Brown’s lily (Anh).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, cao 0,5 - 1 m. Thân hành (thường gọi nhầm là củ) màu trắng đục, có khi màu hồng rất nhạt gồm nhiều vảy nhẵn, dễ gãy. Thân trên mặt đất mọc thẳng đứng, không phân nhánh, cứng và nhẵn, màu xanh lục, có khi điểm những đốm đỏ. Lá mọc so le, có bẹ, hình mũi mác, gốc tròn, đầu thuôn nhọn, gân lá hình cung, hai mặt trơn nhẵn.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân gồm 2-5 hoa to màu trắng; lá bắc nom như lá; bao hoa hình phễu hay loa kèn, khi nở cong ra ngoài; 6 nhị ngắn hơn các bộ phận của bao hoa, chỉ nhị hình dùi, bao phấn hình trái xoan hay thuôn.
Quả nang, dài 5 - 6cm, có 3 ngăn chứa nhiều hạt nhỏ. Mùa hoa: iháng 5-7, mùa quả: tháng 8-10.
Cây dễ nhầm lẫn:
Hoa bách hợp rất giống hoa loa kèn trắng (Lilium longiflorum Thunb.), chỉ khác là nhỏ hơn và không thơm. Loa kèn trắng là cây nhập trồng để làm cảnh.

Phân bố, sinh thái:

Lilium L. là một chi nhỏ, được biết đến trước hết là những loài hoa loa kèn, huệ tây (Lilies) trồng làm cảnh. Chúng phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu. Ở châu Á có khoảng hơn một chục loài tập trung chủ yếu ở vùng cận Himalaya. Ở Việt Nam, có khoảng 3 - 4 loài hoặc hơn, do gần đây một vài giống hoa loa kèn mới được nhập nội. Loài mọc tự nhiên đáng chú ý nhất là cây bách hợp. Bách hợp chỉ thấy ở một vài nơi thuộc vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao, từ 1300 đến 2000m, như Sa Pa, Bát xát (Lào Cai); Mù Cang Chải (Yên Bái); Sìn Hồ, Phong Thổ (Lai Châu); Quản Bạ, Đồng Văn (Hà Giang); núi Phia Bi Óoc và vùng đèo Gió (Cao Bằng).
Bách hợp thuộc loại cây ưa sáng, ưa khí hậu ẩm mát, nhiệt độ trung hình năm từ 15 đến 18,5°C. Cây thường mọc trên các hốc mùn chân núi đá vôi hoặc lẫn trong các trảng cỏ, cây bụi thấp có địa hình dốc (đỉnh đèo Hoàng Liên Sơn). Cây sinh trưởng phát triển mạnh trong vụ xuân - hè. Đến mùa đông (tháng 11 - 12) sau khi quả già, toàn bộ phần trên mặt đất vàng úa và tàn lụi. Phần thân hành nằm dưới mặt đất tồn tại qua đông và sẽ mọc lại vào khoảng tháng 3 năm sau. Mỗi cây bách hợp thường có 2 - 4 quả, ít khi 5, trong chứa nhiều hạt, khi quả già tự tách ra, hạt phát tán ra xung quanh. Cây con mọc từ hạt có thể quan sát được từ tháng 7 - 10.
Trước năm 1980, bách hợp thường xuyên được khai thác thu mua. Các năm 1992 - 1993, cây lại được khai thác bán qua biên giới. Do việc khai thác không có kế hoạch và nạn phá rừng gia tăng đã làm cho nguồn bách hợp ở Việt Nam trở nên hiếm rõ rệt. Cần có kế hoạch khoanh vùng bảo vệ một vài nơi còn bách hợp mọc tập trung, như Sa Pa, Sìn Hồ. Cây trồng được bằng thân hành và gieo hạt.

Cách trồng:

Bách hợp ưa khí hậu ôn hoà, đất thịt nhẹ hoặc pha cát, màu mỡ, giữ ẩm tốt nhưng không bị úng nước.
Cây được trồng bằng thân hành. Từ cuối mùa thu trở đi, phần thân lá bắt đầu tàn lụi, người ta giữ nguyên cây trên ruộng hoặc thu lấy thân hành bảo quản ở nơi lạnh, thoáng nhưng không quá khô, tốt nhất là bảo quản trên giàn như cách bảo quản giống khoai tây.
Đối với cách bảo quản ngoài ruộng, đến mùa xuân trước khi cây nảy mầm, thì đào lên, chọn lấy những thân trung bình, không bị bệnh làm giống.
Vào tháng 2-3, người ta làm đất tơi nhỏ, lên luống cao 30 - 35 cm, mặt luống rộng 70 - 80 cm, bón lót chừng 10 tấn phân chuồng đã ủ hoai mục với 100kg supe lân và 50 kg kali cho mỗi hecta và dùng thân hành trồng với khoảng cách 20 X 20 cm. Trồng xong lấp một lớp đất dày 3 - 5cm và tưới giữ ẩm thường xuyên. Sau 15-20 ngày, cây bắt đầu nảy mầm. Thời gian đầu làm cỏ và xới nhẹ mặt luống để phá váng, về sau chỉ nên nhổ cỏ bằng tay, tránh làm gãy cây. Sau mỗi lần làm cỏ, cần tưới thúc bằng nước phân chuồng hoặc phân đạm pha loãng. Tốt nhất là tưới nước phân bắc ngâm kỹ, trung bình mỗi tháng tưới một lần. Cần ngắt bỏ hoa để cây tập trung dinh dưỡng nuôi thân hành.
Bách hợp là cây sống nhiều năm, nhưng nếu chăm sóc tốt thì vào mùa đông năm thứ nhất đã có thể thu hoạch thân hành làm thuốc. Năng suất trung bình đạt 10-12 tấn thân hành/ha (cây trồng một năm).

Bộ phận dùng:

Thân hành thu hái vào đầu thu, sau khi hoa tàn. Đào về rửa sạch, tách lấy vảy, đồ nóng hoặc nhúng vào nước sôi 5-10 phút, phơi hoặc sấy cho đến khô. Xông lưu huỳnh rỗi tiếp tục phơi sấy cho khô.
Cũng có thể chế biến thành mật bách hợp theo cách làm như sau: vảy đã rửa sạch, cho vào mật ong, canh với ít nước sôi, quấy đều, ủ qua. Dùng chảo đun nhỏ lửa sao cho đến khi vảy không còn dính tay là được, lấy ra để nguội.
Dược liệu bách hợp có màu trắng ngà hay màu vàng nhạt trông như sừng, thể chất cứng.
Thành phần hóa học
Trong bách hợp có tinh bột 30%, protid 4%, chất béo 0,1%, colchicein C21H23O6N1/2H2O và ít vitamin C. Ở Trung Quốc, vị thuốc bách hợp bao gồm nhiều loài Lilium như L. lancifolium Thunb. (L. tigrinurn Ker. Gawl) L. brownii F.E Brown var. viridulum Baker (L. brownii var. colchesteri wils) L. pumilum DC. (L. tenuifolium Fish; L. potaninii Vrishes).
Trong các loài trên người ta xác định các thành phần hóa học sau:
1-O-feruloyl-3-O-p. cumaroyl-glycerol, adenosin, methyl-α-D-manopyranosid, regalosid A, D, tenuifoliosid A. B, acid 2, 3-dihydroxy-3-O-p. cumaryl-1-2 propanedicarboxylic, lilinosid A, B, regalosid D, E, F.

Tính vị, công năng:

Bách hơp có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận phế, chỉ khái, bổ tâm, thanh nhiệt.

Công dụng:

Bách hợp được dùng trong phạm vi kinh nghiệm nhân dân làm thuốc bổ, chữa ho, sốt, thần kinh suy nhược.
Theo tài liệu cổ, bách hợp có tác dụng nhuận phế, trừ ho, định tâm, an thần, thanh nhiệt, lợi tiểu, chữa ho lao thổ huyết, ho có đờm, viêm phế quản, hư phiền hồi hộp, tim đập mạnh, phù thũng. Ngày dùng 15 - 30g dưới dạng thuốc bột hoặc thuốc sắc. Người bị trúng hàn không dùng.
Ở Trung Quốc, người ta dùng bách hợp để nhuận phế, chỉ khái, an thần bình tâm,

Bài thuốc có bách hợp:

1. Chữa các triệu chứng đau ngực, thổ huyết:

Bách hợp iươi được giã lấy nước uống.

2. Chữa viêm phế quản, các chứng ho:

Bách hợp 30g, mạch môn đông 10g, bách bộ 8g, thiên môn đông 10g, tang bạch bì 12g, ỹ dĩ nhân 15g, nước 1000ml. Sắc còn 400ml. Chia 3 lần uống trong ngày.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com