Search This Blog

BẠCH CẬP chữa ho ra máu

BẠCH CẬP



Tên khoa học: 

Bletia hyacinthina R. Br.ex Ait.; Họ Lan (Orchidaceae).

Tên đồng nghĩa: 

Bletia striata (Thunb.) Reichb.f.

Tên khác:

Liên cập thảo.

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, loại lan địa sinh, cao 20 - 30cm hay hơn. Thân rễ mọc bò ngang thành chuỗi, chia 2 - 3 nhánh, mỗi nhánh hình cầu dẹt, có nhiều ngấn ngang mang rễ nhỏ. Lá, 3 - 4 cái, xếp nếp theo các gán, có bẹ mọc ốp vào nhau, dài 9 - 18 cm, rộng 1,5 - 2,5 cm, đầu nhọn hoắt, gân lá song song.
Cụm hoa mọc thành chùm trên một cán dài, thẳng đứng ở ngọn, gồm 3-6 hoa màu hồng tím; lá bấc cùng màu, rụng sớm; bao hoa gồm lá đài và cánh hoa giống nhau, cánh môi dài 2,5cm, thùy giữa hình lòng máng, màu tím sẫm, đầu mép uốn lượn; nhị có bao phấn hình nắp, các khối phấn xếp thành hai màng.
Quả nang, hình thoi, có bao hoa tồn tại.
Mùa hoa: tháng 5 - 8; mùa quả: tháng 9-11.

Phân bố, sinh thái:

Bletia Reichb.f. là chi chưa được nghiên cứu nhiều ở Việt Nam. Hiện nay mới có 2 loài được công bố, trong đó có cây bạch cập. Trên thực tế, số loài có thể nhiều hơn như ở vùng núi cao.
Bạch cập là cây cận nhiệt đới và ôn đới ẩm. Ở Việt Nam mới gặp rải rác ở vùng có khí hậu á nhiệt đới núi cao như ở Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Lạng Sơn... Gần đây phát hiện thêm ở vùng Đồng Văn sát biên giới Trung Quốc. Cây ưa sáng ưa ẩm và thường mọc lẫn trong các trảng cỏ thấp, đất tương đối màu mỡ và hơi chua. Phần thân trên mặt đất tàn lụi hàng nàm vào mùa đông. Phần thân ngầm (gồm 1 - 3 củ) dưới mặt dất sẽ mọc lên 1 - 2 cây mới vào cuối mùa xuân năm sau. Đến mùa thu, quả già tự mở cho hạt phát tán ra xung quanh.
Bạch cập là một cây thuốc quý hiếm ở Việt Nam. Vùng phân bố tự nhiên cũng như trữ lượng của nó rất hạn chế. Loài này đã được đưa vào Danh lục Đỏ Cây thuốc Việt Nam để chú ý bảo vệ và nghiên cứu nhân trồng thêm.

Bộ phận dùng:

Thân rễ đã phơi khô hoặc sấy khô. Vào tháng 8 - 11, đào thân rễ, bỏ phần thân đã tàn lụi, và rễ nhỏ, rửa sạch, nhúng vào nước sôi từ 3 - 5 phút cho đến khi không còn ruột trắng. Lấy ra phơi cho đến khi một nửa đã khô, một nửa chưa khô, bóc vỏ ngoài rồi tiếp tục phơi cho đến khô.

Thành phần hóa học:

Bạch cập chứa tinh dầu, tinh bột 30,48% trong củ tươi và chất nhầy. Chất nhầy là polysaccarid (bletilamanan) bao gồm manose và glucose theo tỷ lệ 4: 1. Ngoài ra, còn có batatasin và 3'-O-methylbatatasin.

Tác dụng dược lý:

1. Biphenanthren phân lập được từ bạch cập có tác dụng kháng khuẩn trên một số vi khuẩn gây bệnh thông thường.
2. Điều trị xuất huyết đường tiêu hoá: Một nghiên cứu ứng dụng bạch cập trên 70 bệnh nhân, khỏi 68 (tỷ lệ khỏi 97,2%), số ngày điều trị là 4,13 ± 3,0 ngày. Một nghiên cứu khác trên 100 bệnh nhân, khỏi 90 (tỷ lệ khỏi 90%), số ngày điều trị là 3,51 ± 1,54 ngày. Trong một tài liệu Trung Quốc người ta đã nghiên cứu trên 300 bệnh nhân bị xuất huyết đường hô hấp phía trên, cũng thu được kết quả tốt.

Tính vị, công năng:

Bạch cập vị đắng, hơi ngọt chát, tính bình, hơi hàn, vào kinh phế. Có tác dụng bổ phế, sinh cơ, làm tan máu ứ, cầm máu, hàn vết thương.

Công dụng:

Bạch cập được dùng làm thuốc câm máu trong nôn ra máu, ho khạc ra máu, chảy máu cam, lỵ ra máu, đau mắt đỏ. Ngày 4 - 12g dạng thuốc bột hoặc sắc uống. Dùng ngoài, đắp hoặc bôi lên mụn nhọt, sưng tấy, bỏng lửa, vết thương chém đứt.
Bài thuốc có bạch cập:

1. Chữa thổ huyết chảy máu dạ dày:

- Bạch cập tán nhỏ, uống với nước cơm hoặc nước cháo, ngày 10 - 15 g.
- Bạch cập 2 phần, tam thất 1 phần. Tán nhỏ, uống với nước cơm hoặc nước cháo. Mỗi lần 4 - 8g ngày 2 - 4 lần.

2. Chữa phổi kết hạch ho, ho gà, khạc ra máu, lao hang:

Bạch cập tán nhỏ. Ngày uống 12 g trở lên, dùng nhiều ngày

3. Chữa chảy máu cam:

Bạch cập tán nhỏ, trộn với nước, đắp lên sống mũi và uống 1 - 3g

4. Chữa sa dạ con:

Bạch cập, ô đầu, mỗi vị bằng nhau, tán nhỏ. Lấy 4g bọc vào bông vô trùng, đổ sâu vào âm đạo. Khi thấy trong bụng nóng lên thì bỏ ra. Ngày một lần (kinh nghiệm cổ truyền).

5. Chữa vết thương do chém:

- Bạch cập 20g, thạch cao 20g. Hai vị tán nhỏ, trộn đều. Rắc lên vết thương, rất chóng hàn miệng.
- Bạch cập 2 phần, vôi 1 phần, bồ hóng 1 phần. Tán nhỏ, trộn đều, rắc.

6. Chữa ung nhọt sưng đau:

Bạch cập lán nhỏ, trộn với ít nước, đặt trên giấy bản, đắp.

7. Chữa bỏng lửa:

Bạch cập tán nhỏ, hòa vào dầu vừng, bôi.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com