Bổ sung loài Lan tu mơ rông (Sunipia rimannii (H. G. Rchb.) Seid.)
cho hệ thực vật Việt Nam
1*Nguyễn Hoàng Tuấn, 2Nguyễn Sơn Hải
1Bộ môn Dược liệu, Trường đại học Dược Hà Nội; 2Đài
truyền hình Phú Thọ
*Email:
tuandl50@yahoo.com
Summary
The Sunipia
rimannii (H. G. Rchb.) Seid.; (Orchidaceae) collected from Dak Ha District, Kon
Tum province is reported as a new record for the flora of Vietnam. S. rimannii
can be distinguished from its closest ally by its petals suborbicular, ca. as
long as wide, lip margins entire to slightly and minutely crenulate, lip
margins partly distinctly erose-lacerate. Morphological redescription and
illustrations are provided along with notes on distribution, ecology, phenology
and conservation of the species.
Keywords:
Morphological characters new record,
Sunipia rimannii, Vietnam.
Đặt vấn đề
Chi Lan lọng (Bulbophyllum Thouars) được Thouars đặt tên đầu tiên năm 1822, là một
chi có số loài lớn nhất (hơn 1900 loài) [4]. Dựa trên sự khác biệt ở trụ nhị nhụy,
một số loài trong chi Bulbophyllum
Thouars được tách ra thành chi mới là Sunipia
Lindl. Sau đó chi Lan lọng tiếp tục được tách một chi nhỏ nữa là Ione Lindl., dựa trên sự khác biệt của cặp
bao phấn [5]. Tới thời điểm hiện tại, chi Sunipia
Lindl. đã được công bố 23 loài trên cả thế giới, các loài trong chi này thường
sống ký sinh trên các cây gỗ ở độ cao trên 1000 m so với mực nước biển [8]. Ở
Việt Nam đã công bố 7 loài: Sunipia
andersonii (King & Pantl.) P.F.Hunt 1971; Sunipia annamensis (Ridl.) P. F. Hunt 1971; Sunipia grandiflora (Rolfe) P.F. Hunt 1971; Sunipia nigricans Aver. 2007; Sunipia
pallida (Aver.) Aver. 1999; Sunipia
racemosa (Sm.) Tang & F.T. Wang 1951; Sunipia scariosa Lindl. 1833 [2], [3]. Trong số các loài thuộc chi Sunipia Lindl. nhiều loài được trồng làm
cảnh, có loài Sunipia scariosa đã được
công bố có tác dụng hỗ trợ điều trị khối u, chống viêm và chống kết tập tiểu cầu
[6].
Trong đợt điều tra cây thuốc ở Kon Tum,
chúng tôi có phát hiện loài Sunipia
rimannii (H. G. Rchb.) Seid.. Người dân địa phương gọi loài này là Đại bao
tu mơ rông. Qua tra cứu các tài liệu, chúng tôi nhận thấy loài này có phân bố ở
Lào [8], Thái Lan [5], Trung Quốc [8] mà chưa có công bố nào có ở Việt Nam. Bài
báo này ghi nhận phân bố của loài Lan tu mơ rông (Sunipia rimannii (H. G. Rchb.) Seid.) ở Việt Nam. Đây là một loài mới
thuộc chi Sunipia Lindl. ở Việt Nam.
Nguyên liệu và phương pháp nghiên cứu
Nguyên
liệu
Lan tu mơ rông được thu hái
tháng 01 năm 2016 tại Kon Tum, khi có đủ hoa, quả. Tiêu
bản
được lưu tại Bộ môn Dược liệu trường Đại học Dược Hà Nội, mã số tiêu bản FOP
01/2016/01.
Phân tích và chụp ảnh cây, hoa bằng máy ảnh
kỹ thuật số Nikon D300s, raynox 250.
Phương
pháp nghiên cứu
Nghiên cứu đặc điểm hình thái của mẫu
nghiên cứu tại thực địa và trong phòng thí nghiệm theo phương pháp trong tài liệu
[1].
Xác định tên khoa học bằng phương pháp so
sánh hình thái, đối chiếu đặc điểm hình thái với khóa phân loại thực vật, các bộ
thực vật chí và đối chiếu với các mẫu của phòng Tiêu bản Thực vật – Bảo tàng lịch
sử tự nhiên Paris.
Kết quả và bàn luận
Đặc
điểm hình thái thực vật
Thân rễ đường kính 2 mm. Thân hành trên
thân rễ đường kính 0,5 cm, cao 2 cm, màu xanh, hình trứng, có 1 lá ở đỉnh. Cuống
lá dài 4-6 mm; lá hình lưỡi thẳng, thuôn dài, kích thước 3-5 × 0,5-1 cm, thể chất
như da, đáy lá thuôn thẳng vào cuống lá, đỉnh tù và rộng. Cán hoa thẳng, dài
5-8 cm; chùm 2 hoặc 3 hoa; cuống 4-6 cm, mảnh, với 2 hoặc 3 lớp vỏ; lá bắc hình
trứng đến hình mác, dài 2-4 mm, dạng màng, đỉnh nhọn. Cuống hoa ngắn và bầu hơi
cong, phía lưng bầu mầu tím, phía bụng bầu màu trắng dài 2-3 mm, mặt cắt ngang
bầu hình 6 cạnh tròn, đường kính 2-2,5mm. Hoa kết cấu mỏng, trong suốt, xen lẫn
màu đỏ hơi tím. Đài lưng đài hình mác, dọc hai bên mép mỏng trong suốt, dọc ở
giữa màu tím sẫm, kích thước 16 x 4 mm, nhọn ở đỉnh hay hơi cong; Hai đài bên dính
vào nhau thành một khối hình mác, mép dưới phình ra, đỉnh nhọn, viền hai đài
bên trong suốt, dọc phần trung tâm màu tím chạy dài đến đỉnh, kích thước 16 × 6
mm. Hai tràng bên gần hình tròn, viền có răng nham nhở, mảnh, cả hai mặt trong
suốt, phía trong có 3 gân mờ chạy dọc, kích thước 5 × 5 – 5,5 mm; Tràng môi
hình elip - thuôn dài đến gần hình thoi, đáy tù phình ra, phần giữa thót vào
kéo dài đến đỉnh tạo thành nhọn ở đỉnh, viền có răng cưa nhỏ, mặt trước tràng
môi có dọc ở giữa màu trắng viền hai bên màu tím sẫm, mặt lưng hai đài bên màu
tím sẫm, kích thước 16 × 6 mm. Trụ nhị nhụy dài 5 mm, mặt trước màu trắng, đỉnh
trên nhô hai tai nhỏ, phía trên có hốc lõm là nơi chứa khối phấn, mặt ngang trụ
nhị nhụy hình cong, mặt lưng chân cột nhị nhụy có màu phớt tím, còn lại màu trắng;
Bao phấn kích thước 2 x 1 mm, có 4 hốc lõm nơi chứa các khối phấn, màu nâu; Hai
cặp khối phấn hình nấm, tách ra được 4 khối phấn hình cầu, đường kính 0,2 mm,
màu vàng và hơi nhớt.
Sinh
thái: Cây phụ sinh, trong rừng nguyên
sinh thường xanh hay nửa rụng lá trên sườn núi đá vôi, ở độ cao 1600-1700 m.
Mùa hoa vào tháng 12 đến tháng 02 năm sau.
Phân
bố:
Làng Ngọc Leng, xã Đăk Hà, huyện Tu mơ rông tỉnh Kon Tum. Tọa độ 14° 55′ 35″ N,
107° 56′ 17″ E 14.926389, 107.938056
Ghi chú: A: Tương
quan một số bộ phận của cây; B: Hoa nhìn từ mặt trước; C: Hoa nhìn từ mặt bên;
D: Hoa nhìn từ mặt sau: E: Toàn cây: F: Đài lưng mặt trước và mặt sau; G: Hai
tràng bên nhìn từ mặt trước; H: Hai tràng bên nhìn từ mặt sau; I: Tràng môi; J:
Lá bắc mặt trước và mặt sau; K: Trụ nhị nhụy mặt trước, mặt bên và mặt sau: L:
Khối phấn: M: Bao phấn: N: Bầu cắt ngang: O, P: Bầu; Q: Thân hành mang lá; R:
Hai đài bên,
Nguồn: Tạp chí Dược học, 8/2016 (Số 484 năm 56) trang 49-53, 67
0 Comment:
Post a Comment