SÀN XẠT
Tên khoa học:
Humulus scandens (Lour.) Merr.; Họ:
Gai mèo (Cannabaceae).
Tên đồng nghĩa:
Antidesma scandens Loureiro,
Fl. Cochinch. 1: 157. 1790; Humulopsis
scandens (Loureiro) Grudzinskaja; Humulus
japonicus Siebold & Zuccarini.
Tên khác:
Luật thảo, Sàn sạt, Hốt bố leo.
Tên nước ngoài:
Houblon du Japon.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Dây leo bằng thân quấn, sống lâu năm, dài 6 - 8m. Thân
mảnh hình trụ, có rãnh dọc, có gai nhỏ quặp. Lá mọc đối, lá gần ngọn mọc so le,
xẻ 5 thùy hình chân vịt, dài và rộng 8-10 cm, gốc hình tim, đầu nhọn, mép khía
răng, hai mặt có nhiều lông nháp, nhất là mặt trên; lá ở ngọn xẻ 3 thùy, gân gốc
3 - 5 ; lá kèm hình trái xoan; cuống lá dài 8 - 10 cm.
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gồm nhiều hoa nhỏ, khác gốc,
không cuống; hoa đực mọc thành chùm dài, có 5 lá đài, có lông ở lưng, nhị 5, đối
diện với lá đài, chỉ nhị ngắn; hoa cái trần thành xim co gần hình cầu, lá bắc
phát triển như lá ở hoa cái.
Quả bế, màu vàng nhạt, có vằn đỏ.
Mùa hoa quả : tháng 7-9.
Phân bố, sinh thái:
Chi Húmulus
L. gồm một số loài đều là dây leo, phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm và cận nhiệt
đới Bắc bán cầu. Ở Việt Nam có 2 loài là húp lông (cây nhập nội) và sàn xạt.
Sàn xạt là loại cây của vùng cận nhiệt đới, phân bố
chủ yếu ở Nhật Bản, Đài Loan, và các tỉnh ở phía nam Trung Quốc, ở Việt Nam,
cây có nhiều ở các tỉnh thuộc vùng núi, trung du và đồng bằng phía bắc. Từ Quảng
Bình trở vào, ít gặp hơn. Cây ưa ẩm, ưa sáng và có thể hơi chịu bóng, thường mọc
trùm lên các loại cây bụi, dây leo khác ở ven rừng, nương rẫy cũ, đồi. Ở vùng đồng
bằng xung quanh Hà Nội, có thể gặp sàn xạt trong các lùm bụi quanh làng; bờ rào
vườn hay những chỗ đất hoang. Cây có khả năng phân nhánh khỏe, sinh trưởng mạnh
trong mùa mưa ẩm. Nếu không bị chặt phá thường xuyên, cây ra hoa nhiều hàng
năm, tái sinh tự nhiên chủ yếu từ hạt.
Bộ phận dùng:
Toàn cây (Herba Humuli Scandentis), thu hái vào mùa hè thu, thái nhỏ, phơi
khô.
Thành phần hóa học:
Lá sàn xạt chứa luteolin - 7 - D - glucosid (0,05%),
cosmosiin (0,015%), vitextin (0,005%), tinh dầu và tanin. Hạt chứa 27,9% dầu
béo.
Toàn cây chứa tinh dầu, acid amin, thành phần tinh dầu
gồm α-copen, α, β-selinen và γ cadinen. (Trung dược từ hải 111.711)
Ngoài ra, còn có calci carbonat (CA. 127, 78540m).
Tác dụng dược lý:
Nước sắc sàn xạt thí nghiệm trên chuột nhắt trắng,
cho thẳng vào dạ dày với liều 2g/kg, có tác dụng cầm tiêu chảy do dầu thầu dầu
gây nên. Trên tiêu bản hoành tá tràng cô lập thỏ, nước sắc sàn xạt 100% với liều
0,1 ml cho vào dung dịch nuôi, có tác dụng ức chế co bóp do acetylcholin gây
nên. Thí nghiệm trên ống kính nước sắc sàn xạt có tác dụng kháng khuẩn đối với
các chủng; Staphylococcus aureus, Enterococcus, Bacillus anthracis, Streptococcus
haemolyticus, Bacillus typhi, B. diphtheriae và B. dysenteriae.
Tính vị, công năng:
Sàn xạt có vị ngọt, đắng, tính hàn, có tác dụng
thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu, tiêu ứ, kiện vị.
Công dụng:
Theo kinh nghiệm nhân dân, lá sàn xạt phơi khô sắc uống
chữa kiết lỵ, sốt, khát nước. Lá tươi giã nhỏ lấy nước nhỏ chữa viêm tai. Liều
dùng hàng ngày: 10 - 20g dược liệu khô hoặc 60 - 100g cây tươi, ở Trung Quốc,
sàn xạt được dùng chữa tiểu tiện khó, lao phổi, lao hạch, viêm phổi, viêm ruột,
kiết lỵ, trĩ. Ở Đài Loan, cây được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, di tinh, lỵ
lâu ngày; quả sàn xạt là thuốc bổ đắng.
Bài thuốc có sàn xạt (tài liệu Trung Quốc)
1. Chữa lao hạch (loa lịch):
Lá sàn xạt tươi 60g, rượu 60g, đường đỏ 120g. sắc nước,
chia làm 3 lần uống trong ngày sau bữa ăn.
2. Chữa kiết lỵ hoặc tiểu tiện khó, tiểu tiện ra máu:
Sàn xạt tươi 60 - 120g. sắc nước, chia làm 2 lần uống
trước bữa ăn.
3. Chữa trĩ, lòi dom:
Sàn xạt 90g, sắc nước ngâm rửa.
4. Chữa lao phổi, sốt nhẹ về chiều, ra mồ hôi trộm:
Sàn xạt 30g, đậu đen 30g. sắc nước uống. Dùng liên tục
7-10 ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm
thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 Comment:
Post a Comment