SA MỘC
Tên khoa học:
Cunninghamia lanceolata (Lamb.) Hook.;
Họ Bụt mọc (Taxodiaceae).
Tên đồng nghĩa:
Cunninghamia sinensis R.
Br.
Tên khác:
Sa mu, the mốc.
Đặc điểm thực vật (Mô tả):
Cây to, cao 25-30 m. Thân mọc thẳng, có vỏ màu
nâu, nứt dọc. Lá mọc so le, rất sít nhau thành túm dày, phiến cứng, dai, hình
ngọn giáo hẹp, dài 3-7 cm, rộng 3-5 mm, gốc tròn, đầu rất nhọn, mép khía răng,
mặt dưới có hai dãy lỗ khí màu trắng đục, song song với gân giữa.
Cụm hoa là những nón đơn tính; nón đực mọc ở đầu
cành, hình trụ thành đuôi sóc; nón cái hình trứng, mọc đơn độc hoặc tụ họp.
Nón quả hình trứng, dài 3 - 4 cm, bao học bởi những
vảy nhọn đầu; hạt hình trái xoan, có cánh hẹp.
Mùa sinh sản: tháng 9-10.
Phân bố, sinh thái:
Chi Cunninghamia
R. Br. có 2 loài ở châu Á. ở Việt Nam cũng có 2 loài này, trong đó, loài sa
mộc có vùng phân bố phổ biến hơn, gồm các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Quản Bạ (Hà
Giang); Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai). Loài sa mộc này còn được trồng ở nhiều địa
phương khác như: Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Đà Lạt (Lâm Đồng), Cát Bà (Hải Phòng) và
một số nơi khác thuộc tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh... Trên thế giới, sa
mộc mọc tự nhiên nhiều ở Trung Quốc, đảo Đài Loan và vùng núi cao Bắc Lào.
Sa mộc là loại cây gỗ lớn, mọc thẳng, ít phân cành
hoặc phân những cành nhỏ. Cây thường mọc rải rác hoặc tương đối tập trung từ
lưng chừng núi trở xuống, ở độ cao 1400 - 2000 m hoặc hơn. Cây ưa khí hậu ẩm
mát quanh năm ở vùng cận nhiệt đới và nhiệt đới núi cao, về mùa đông nhiệt độ
có thể xuống dưới 0°C trong nhiều ngày. Sa mộc mọc lá non đồng loạt vào mùa
xuân, ngay sau đó xuất hiện nón đực và nón cái; thụ phấn chủ yếu nhờ gió. Nón
cái già vào mùa đông, khó rụng, nhưng được tách ra cho hạt rơi vãi xuống đất.
Cây con mọc từ hạt trong tự nhiên không nhiều. Khi gieo trồng, người ta thường
xử lý hạt để nâng cao tỷ lệ nảy mầm. Sa mộc trồng từ cây con, sau 5-6 năm đã có
thể có nón sinh sản. Một số cây ở Sa Pa và Phó Bảng (Hà Giang) đã gần 100 năm
tuổi vẫn sinh trưởng phát triển tốt.
Gỗ sa mộc là loại tốt, không bị mối mọt, được dùng
làm nhà cửa hay đồ đạc.
Bộ phận dùng:
Vỏ, thân, lá và rễ (Cortex, Radix et Folium
Cunninghamiae).
Thành phần hóa học:
Gỗ sa mộc chứa tinh dầu, với thành phần ester 7,37%,
alcol 2,39% (The Wealth of India voll. 1950, 398); cedrol (thành phần chính của
tmh dầu) 60,5%, α-cedren, terpinyl acetat và terpinolen. Trong khi đó, tinh dầu
cất từ lá lại chứa α-limonen (27,25%) và α, β-pinen.
Hai chất diterpen loại labdan dưới dạng đồng phân
hình học là acid cunninghamic A và B được phân lập từ bột phấn hoa.
Tinh dầu sa mộc và cedrol là thành phần có tác dụng
kháng nấm và chống mối.
Cao chiết từ ngọn sa mộc với hiệu suất 5,4% (theo trọng
lượng khô) chứa 10,4% các acid tự do, gồm 83,6% các acid triterpenic loại
labdan và 16,4% các acid béo cao, trong đó acid oleic là thành phần chủ yếu,
sáp 4% và 85,3% các chất trung tính gồm 2% hydrocarbon, 28,8% các ester của các
acid bậc cao, 0,2% methyl ester của các acid diterpenic, 37,6% acetat, 1,5%
triglycerid, 16,2% alcol, 10,3% sterol và 8% nhóm các hoạt chất đa chức năng
khác.
Phấn hoa sa mộc có β-sitosterol, stigmasterol,
campestrol, 24-methylen cholesterol, cholesterol, và nhiều acid béo. Thành phần
chính của các acid béo là acid oleic, linoleic, và palmitic.
Sa mộc còn có các hợp chất flavonoid như
robustaflavon, amenlo-flavon, amentoflavon 7-methyl ester, podocarpusflavon A,
ginkgetin, isoginkgetin, kayaflavon, isotetsuflavon và centdard (Trung dược từ
hải I, 166).
Tác dụng dược lý:
Theo tài lịệu nước ngoài, tinh dầu chiết từ gỗ, rễ,
vỏ bào và mùn cưa của sa mộc, bôi trực tiếp lên mụn nhọt có tác dụng diệt khuẩn,
mà không gây đau và rát.
Tính vị, công năng:
Sa mộc có vị cay, tmh hơn ôn, vào các kinh tỳ và phế,
có tác dụng tịch uế (tẩy bẩn) chỉ thống, tán thấp độc, hạ nghịch khí.
Công dụng:
Cây sa mộc thường được trồng để phục hồi rừng đã bị
tàn phá. Về mặt thuốc, nhiều bộ phận của sa mộc được dùng trong những trường hợp
sau:
- Vỏ rễ tươi (lượng vừa đủ) thêm ít rượu trắng giã
nát, đắp chữa viêm khớp, vết thương.
- Lá sa mộc tươi (160 g), nước (500 ml), sắc còn 150
ml, thêm đường, ngày uống 3 lần, mỗi lần 10 ml. Dùng 10 ngày. Chữa viêm phế quản
ở người già.
- Hạt sa mộc (30 g), giã nát, sắc hoặc làm bột uống.
Chữa thoát vị bẹn, di tinh.
- Dầu sa mộc bôi ngoài chữa bệnh nấm da.
Tinh dầu sa mộc có mùi thơm được dùng chữa vết
thương do dụng giập, xây xát, thâm tím, thấp khớp và bệnh ngoài da.
Ở Trung Quốc, sa mộc còn được dùng chữa lở sơn do dị
ứng, mụn nhọt, ghẻ lở, hắc lào, độc sang, cước khí, di tinh, thoát vị bẹn, đau
răng, đau vú, viêm phế quản.
Bài thuốc có sa mộc:
Chữa đau răng:
Lá sa mộc 90 g; xuyên khung, tế tân, mỗi vị 60 g.
Các vị trên thái nhỏ ngâm với 800 ml rượu, lọc bỏ bã, dùng làm thuốc ngậm,
không được nuốt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm
thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
0 Comment:
Post a Comment