Search This Blog

RUỐI-Streblus asper-Công dụng cách dùng

RUỐI



Tên khoa học: 

Streblus asper Lour.; Họ ; Dâu tằm (Moraceae).

Tên khác: 

Duối, hoàng anh mộc, mạy xói (Tày).

Tên nước ngoài: 

Siamese rough - bush (Anh).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây nhỏ, dạng bụi, cao 4 - 5 m. Thân và cành hình trụ, khúc khuỷu, vỏ sần sùi, màu xám, chứa nhựa mủ trắng. Cành non mảnh có lông tơ. Lá mộc so le, hình trái xoan, cứng, dài 3-7 cm, rộng 1,2 - 3,5 cm, gốc thuôn tròn hoặc hơi hình tim, đầu tù hơi nhọn, mép khía răng, hai mặt nhẵn, mặt trên sẫm, mặt dưới rất nháp, gân nổi rõ; lá kèm hình tam giác; cuống rất ngắn có lông.
Hoa đơn tính, khác gốc; cụm hoa đực hình đầu, mang 10-12 hoa xếp rất sít nhau; hoa có 4 lá đài đính ở gốc và có lông, nhị 4, xếp đối diện với lá đài; hoa cái mọc đơn độc, đài có 4 răng bao kín bầu nhẵn.
Quả mọng, hình cầu hơi dẹt, màu vàng, có đài tồn tại; hạt hình cầu.
Mùa hoa quả : tháng 6-11.

Phân bố, sinh thái:

Streblus Lour, là chi tương đối điển hình ở vùng nhiệt đới châu Á, châu Đại Dương và có thể cả châu Phi. Ở Việt Nam, có 9 loài (Nguyễn Tiến Bân, 1997). Ruối có vùng phân bố tương đối rộng, bao gồm phía nam Trung Quốc, Ấn Độ, và hầu hết các nước khác ở vùng Đông Nam Á. Cây cũng phân bố tương đối phổ biến ở Việt Nam, từ vùng núi thấp khoảng 500 m trở xuống đến tất cả các tỉnh ở vùng trung du và đồng bằng. Cây mọc tự nhiên thường thấy ở đồi, bờ nương rẫy hay trong các lùm bụi quanh làng. Ruối còn được trồng ở khắp nơi để làm hàng rào hoặc làm cảnh. Do khả năng tái sinh cây chồi khỏe, đặc biệt là có thể mọc ra nhiều chồi trên những cành còn lại sau khi bị cắt, nên người ta dễ dàng tạo dáng cho cây.
Ruối là cây ưa sáng và chịu hạn tốt, ra hoa quả nhiều hàng năm, tái sinh tự nhiên chu yếu từ hạt. Cành bánh tẻ và cây chồi rễ thường được sử dụng để nhân trồng.

Bộ phận dùng:

Vỏ rễ, vỏ thân, lá, nhựa mủ.

Thành phần hóa học:

Ruối chứa asperosid và streblosid (Singh Som N. và cs.). Ngoài ra còn có một pregnan glycosid gọi là siorasid (3β, 14β-dihydropregn-20-on-3-O-β-D (3-O-methyl)-glucopyranosid (Prakash Kamal và cs.).
Theo Chawia A. s và cs., 1990, phần trên mặt đất của cây ruối chứa n-triacontan, tetracontan-3-on, β-sitosterol, stigmasterol, betulin và acid oleanolic.
Rễ cây ruối chứa α-amyrin-3-O-α- L-rhamnopyranosyl-β-D-arabinofuranosid (Chaturvedi s. K. và cs.).
Abu Bakar và cs., 1993 đã phân lập được một proteinase từ cây ruối.

Tác dụng dược lý:

Cả cây ruối trừ rễ có tác dụng ức chế sự phát triển của carcinom dạng biểu bì của mũi-họng người trong nuôi cấy mô. Thử nghiệm lâm sàng ban đầu trên 296 bệnh nhân có bệnh giun chỉ phù bạch huyết, tiếp theo là việc sử dụng rộng rãi trên lâm sàng trên 5.000 bệnh nhân giun chỉ ở Ấn Độ ở những giai đoạn khác nhau của bệnh, thấy vỏ thân cây ruối chữa khỏi và đỡ với tỷ lệ 90 - 100% bệnh giun chỉ ở mức độ bệnh khác nhau. Thuốc cũng có tác dụng làm hết nghẽn mạch bạch huyết do bệnh giun chỉ. vỏ rễ có chứa glycosid có tác dụng trợ tim.

Công dụng:

Quả ngọt của cây ruối ăn được. Theo kinh nghiệm dân gian, nhựa ruối dán vào hai bên thái dương chữa nhức đầu. Cành và rễ thái mỏng sắc uống làm thuốc thông tiểu chữa bụng trướng, vỏ ruối sắc ngậm chữa sâu răng, đau họng, vỏ rễ khô thái nhỏ sao vàng với liều 10 - 40g mỗi ngày, sắc uống trong 5-7 ngày chữa sốt rét.
Nhân dân Campuchia còn dùng rễ ruối phối hợp với nhiều vị thuốc khác chữa ho, lao phổi. Trong y học cổ truyền Ấn Độ, người ta dùng nhánh cây con để làm bàn chải làm sạch răng và chữa chảy mủ lợi. Lá được dùng làm thuốc lợi sữa, bột nhão lá đắp vào chỗ sưng tấy, hạch sưng, và để làm ngừng sự thoát mồ hôi quá mức. Nước hãm lá có thể thay nước chè. Thuốc đắp từ rễ trị loét, sưng tấy và nhọt. Rễ tán bột uống trị lỵ, nước sắc rễ trị giang mai, nước sắc vỏ cây trị sốt, lỵ, tiêu chảy và sát trùng vết thương. Nhựa mủ có tác dụng làm săn và sát trùng, trị đau gót chân, bàn tay nứt nẻ, sưng tuy Hạt ruối chữa chảy máu cam, trĩ và tiêu chảy. Dùng ngoài, bột nhão từ hạt trị bệnh bạch biến.
Người ta còn dùng vỏ ruối chữa bệnh phong, chân voi; dịch ép vỏ cây, thêm đường uống, mỗi lần 3 thìa cà phê, ngày 3 lần, trong một tuần trị chứng giảm niệu. Để trị tiêu chảy, lấy khoảng 200g vỏ ruối, sắc vói 2 lít nước trong một giò, mỗi lần uống 3 thìa cà phê, ngày 3 lần, trong một tuần.

Bài thuốc có ruối

1. Chữa đái rắt, đái buốt, đái ra cặn trắng:

Vỏ rễ ruối, rễ cây nhót rừng, mỗi vị 20g, thái nhỏ, sao vàng sắc uống.

2. Chữa nhức đầu, chóng mặt, sốt nóng, đái đỏ:

Lá ruối, củ ráy dại, mỗi vị 40g; lá cúc tần, lá cỏ xước, mỗi vị 20g; lá tre, lá tía tô, mỗi vị 10g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sao thơm, sắc uống làm 2 lần trong ngày.

3. Chữa sốt rét, vàng da:

a) Búp ruối, búp tre, mỗi vị 40g; lá hàn the 12g; hoạt thạch 6g. Sắc uống.
b) Búp ruối, lá chỉ thiên, lá trầu không non, liều lượng bằng nhau, sắc uống.

4. Chữa đau răng, sâu răng:

Vỏ ruối, củ gấu, mỗi vị 30g, giã nát, ngâm rượu 70° trong 7-10 ngày. Dùng tăm bông tẩm thuốc đặt vào chỗ đau, ngày 2-3 lần. ến, và bôi thái dương để an thần trị đau dây thần kinh.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com