VẢI
Tên khoa học:
Litchi sinensis Sonner; Họ: Bồ hòn
(Sapindaceae).
Tên đồng nghĩa:
Nephelium litchi Cambess.
Tên khác:
Lệ chi.
Tên nước ngoài:
Litchi tree, lychee, chin fruit tree (Anh); litchi, cérisier à
grappes de Chine (Pháp).
Đặc điểm thực vật (Mô tả:)
Cây nhỡ hay cây to, cao 7 - 10 m. Cành hình trụ, vỏ
màu nâu sẫm, có những chấm nhỏ. Lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 7 - 9 lá
chét cứng và dai, rất đa dạng, hình mác hoặc thuôn, gốc tròn, đầu nhọn, hai mặt
nhẵn, mặt trên sẫm bóng, mặt dưới nhạt.
Cụm hoa mọc ở đầu cành thành chùm có lông, màu nâu;
hoa màu xanh vàng nhạt; đài hình đấu có lông; tràng 0; nhị 7-10, chỉ nhị có
lông; bầu 2 thuỳ.
Quả hình trứng, vỏ quả mỏng, sần sùi, màu đỏ nhạt; hạt
có áo dày bao quanh, màu nâu.
Mùa hoa: tháng 3 - 4; mùa quả: tháng 5-6.
Phân bố, sinh thái:
Chi Litchi
Sonn. chỉ có một loài trên thế giới là Litchi
chinensis Sonn. với 3 loài phụ là:
1 - ssp. chinensis, syn. : Dimocarpus litchi Lour. (1790); L. sinense J. Gmélin (1791); Nephelium litchi Cambess. (1829). Loài
phụ này có nguồn gốc ở Bắc Việt Nam, và có thể tìm thấy dạng gốc của nó trong
hoang dại ở Bắc Việt Nam và Campuchia. Hiện nay, cây được trồng nhiều ở Việt
Nam và Nam Trung Quốc. Vải trồng ở Việt Nam cũng có nhiều giống (cultivars),
song đáag lưu ý nhất là loại vải quả to, hình trứng, vỏ quả khi chín màu đỏ
nâu, gai hơi nhọn; Loại vải có dáng cây nhỏ hơn, quả tròn nhỏ, gần như không rõ
gai, khi chín vỏ quả màu vàng nâu được trồng ở vùng đồng bằng thuộc huyện Thanh
Hà tỉnh Hải Dương, tên thưòng gọi là “vải thiều”. Hiện đã được phát triển rộng
ra các tỉnh đồng bằng khác và trung du, thậm chí cả ở miền núi. Loại này thường
có vị thơm, ngọt, cùi dày, hạt nhỏ nên có giá trị kinh tế cao. Gần đây đã du nhập
sang tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc.
2 - ssp.
philippinensis (Radlk.) Leenth., syn. : Euphoria
didyma Blanco (1837) nom. illeg. ; Litchi
philippinensis Radlk. (1914). Loài phụ này mọc hoang dại ở Philippin, đôi
khi cũng thấy trồng.
3 - ssp. javensis
Leenth. , syn. : L. chinensis Sonn.
f. glomeriflora Radlk. (1932). Loài
phụ thứ ba này mới chỉ thấy trồng ở phía tây đảo Java (Indonesia) và Nam Đông
Dương (Campuchia và Nam Việt Nam).
Nhìn chung, tất cả những loài phụ vải trên đều là
cây nhiệt đới (2,3) hoặc cận nhiệt đới (1). Chúng thích nghi với điều kiện khí
hậu nóng và ẩm; nhiệt độ trung bình 20 - 25°C, trung bình tối cao về mùa hè và
tối thấp trung bình về mùa đông là 36°C và 5°C. Đối với 2 giống vải chính trồng
ở các tỉnh phía bắc thì, giống vải quả hình trứng, to có khả năng chịu lạnh cao
hơn giống vải thiều. Vải ưa sống trên nhiều loại đất có thành phần sét cao và
thoát nước nhanh. Cây ra hoa quả nhiều hàng năm; thời kỳ hoa nở rộ tập trung
trong 2 -3 tuần; thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng.
Vải là loại cây ăn quả quan trọng của vùng nhiệt đới
châu Á và cận nhiệt đới Đông Á (Trung Quốc, Đài Loan). Sản lượng vải hàng năm ở
Đài Loan là 131.000 tấn; Ấn Độ 91860 tấn; Trung Quốc 61820 tấn; Madagasca
35.000 tấn; Thái Lan 8401 tấn ... ở Việt Nam, chưa có các số liệu thống kê sản
lượng vải trên toàn quốc. Song chắc chắn cũng phải đến hàng chục ngàn tấn/năm.
Khoảng 10 năm trở lại đây, riêng vải thiều đã được trồng phổ biến ở hầu hết các
tỉnh phía bắc. Quả vải thiều đã được xuất khẩu sang Trung Quốc, Hồng Kông, Đài
Loan, Nhật Bản và nhiều nước khác trong khu vực. Bên cạnh sản phẩm quả tươi, hiện
có vải khô, vải đóng hộp với chất lượng cao.
Cách trồng:
Vải được trồng từ Hà Tĩnh trở ra, tập trung ở các
vùng Thanh Hà (Hải Dương), Lục Ngạn (Hà Giang), Đông Triều (Quảng Ninh)... Giống
vải phổ biến hiện nay thuộc nhóm vải thiều.
Vải chủ yếu được nhân giống bằng ghép và chiết cành.
Ngoài ưu điểm chung của nhân giống vô tính là giữ được phẩm chất của cây mẹ,
cây ghép có bộ rễ phát triển hơn cây chiết, vì vậy, phù hợp với đất gò đồi. Cây
chiết có bộ rễ ăn nông, trồng ở đồng bằng cho kết quả tốt hơn.
Gốc ghép thường dùng giống vải chua hoặc giống chín
sớm. Hạt thu xong, rửa sạch, gieo ngay. Để lâu hoặc phơi nắng, hạt nhanh mất sức
nảy mầm. Có thể gieo trong bầu hoặc vườn ươm, sau chuyển sang bầu chăm sóc đến
khi đủ tiêu chuẩn ghép, ở vườn ươm, thường gieo với mật độ 100 - 150 hạt/m2
(khoảng cách 20 - 25 x 10 - 15 cm), lấp đất sâu 1-2 cm. Phủ rơm, rạ và tưới ẩm.
Thời vụ ghép vào tháng 2-4 hoặc tháng 8 - 10.
Khi chiết cành, cần chọn loại bánh tẻ có đường kính
1,0 - 1,5 cm, dài 40 - 60 cm, có 2 nhánh, nằm phía ngoài tán cây, không sâu bệnh.
Dùng đất bùn ao phơi khô, đất tốt đập nhỏ (2/3) trộn với rơm, rác mục, mùn cưa
(1/3) để bó bầu. Thời vụ chiết tương tự như thời vụ ghép.
Sau khi chiết 30 - 60 ngày, rễ chuyển sang màu vàng
ngà hoặc hơi xanh, lúc này hạ cành đem giâm vào vườn ươm với khoảng cách 20 x
20 cm hoặc 30 x 30 cm, che bớt 50% nắng và tưới ẩm thường xuyên.
Cây ghép hoặc chiết tháng 2 - 4, trồng vào tháng 8 -
10 và ngược lại. Ở đất đồng bằng, cần đào mương, đắp líp để thoát nước, ở đất
gò đồi, trồng theo đường đồng mức để giữ nước, chống xói mòn. Khi trồng, đào hố
với kích thước, khoảng cách và phân lót (kg/hố) như sau:
Đất đồng bằng: Sâu 40 cm, rộng 80 cm; 9 - 10 x 10 m;
phân chuồng 20 - 30, lân 0,5, kali 0,5.
Đất gò đồi: Sâu 60 - 80 cm, rộng 1 m; 7 - 8 x 8 m;
phân chuồng 30 - 40, lân 0,6, kali 0,6.
Trộn đều phân với đất, đặt bầu vào giữa hố (chú ý xé
bỏ vỏ bầu), lấp kín mặt bầu, lèn vững cây. Có thể cắm cọc để giữ cho cây khỏi bị
lay. Phủ gốc bằng rơm, rạ hoặc cỏ khô, rồi tưới ẩm.
Những năm đầu, có thể trồng xen các loại rau đậu,
cây ăn quả ngắn ngày, cây phân xanh. Khi cây đã giao tán, thay bằng các cây chịu
bóng như địa liền, gừng. Nếu trời nắng hạn, cần tưới đảm bảo đủ ẩm.
Việc bón thúc phân phải căn cứ vào điều kiện đất
đai, độ tuổi khác nhau của cây. Trước khi ra quả 2-3 năm, hàng năm bón cho mỗi
cây 1 kg sulfat đạm, 0,5kg lân, 0,5 kg kali. Khi cây đã ra quả, cần tăng lượng
phân lên gấp 5 lần hoặc hơn. Cách vài ba năm, lại bón thêm 30 - 50 kg phân chuồng.
Phân bón thúc cần chia làm 2 lần. Lần đầu, bón sau
khi thu hoạch quả (tháng 6 -7), lần thứ hai, bón sau đợt lộc mùa thu (tháng
9-10).
Cần đề phòng bọ xít, giơi phá hoại.
Quả thu hái đúng độ chín, thu non, phẩm chất kém,
thu muộn dễ bị giơi ăn hại. Khi thu, chỉ bẻ cành mang quả, giữ lại các mầm ngủ
phía gốc chùm quả để chuẩn bị cho vụ sau.
Bộ phận dùng:
Hạt vải gọi là lệ
chi hạch (Semen Litchi sinensis) rửa sạch, thái nhỏ, tẩm nước muối sao hoặc
đốt tồn tính, có thể đồ chín, thái mỏng phơi hay sấy khô. Cùi vải (lệ chi nhục) dùng tươi hay sấy khô như
long nhãn. Còn dùng vỏ thân, rễ và hoa.
Thành phần hoá học:
Quả vải gồm 8 - 15% vỏ, 70 - 86% cùi và 4 - 18% hạt.
Cùi vải chứa đường (chủ yếu là glucose và
sacharose), đường, khử, acid citric, acid ascorbic, protein, chất béo, acid
nicotic riboflavin, caroten và các nguyên tố đa vi lượng như calci, phosphor, sắt.
Vỏ quả vải chứa cyanidin diglycosid và một chất
anlhoxanthin vàng.
Hạt vải có 1 - 1,5% tanin, saponosid và α- methylen
cyclopropyl glycin.
Người ta đã phân lập được từ lá một số chất thuộc
nhóm flavonoid như quercetin và quercitrin.
Tác dụng dược lý:
Chất α- methylen cyclopropylglycin thí nghiệm trên
chuột nhắt trắng đã nhịn đói 22h, tiêm dưới da với liều 60 - 400mg/kg, có tác dụng
hạ đường huyết, đồng thời làm giảm lượng glycogen trong tổ chức gan. Cao chiết
hạt vải thí nghiệm trên chuột cống trắng gây bệnh tiểu đường thực nghiệm bằng
alloxan, bằng đường uống dùng vói liều 1,3 - 2,6 g/kg/ngày ttong 10 ngày liên
tiếp, có tác dụng điều hoà những rối loạn về chuyển hoá đường và làm hạ đường
huyết một cách rõ rệt.
Về độc tính, hạt vải có độc tính rất thấp. Thí nghiệm
trên chuột nhắt trắng dùng với liều 20g/kg bằng đường uống, súc vật vẫn sống
bình thường, không gây tử vong.
Tính vị, công năng:
Quả vải có vị ngọt, chua; tính ôn, vào các kinh tỳ
và can, có tác dụng ích khí, bổ huyết, sinh tân, chỉ khát. Hạt vải có vị hơi đắng,
ngọt, chát, tính ôn, vào các kinh can và thận, có tác dụng ôn trung, lý khí,
tán kết, chỉ thống.
Công dụng:
Quả vải có nhiều chất dinh dưỡng dùng ăn tươi hay sấy
khô. Ăn nhiều, đẹp nhan sắc, nhưng cũng có tác giả cho rằng ăn nhiều sẽ phát
nhiệt, chảy máu cam, sinh mụn nhọt.
Trong y học cổ truyền, quả vải được dùng làm thuốc
dưỡng huyết, chữa cơ thể suy nhược khi mới khỏi bệnh, tiêu chảy do tỳ hư, băng
huyết, phiền khát, nấc, đậu trẫn mọc không đều. Liều dùng: 9 - 15g, sắc nước uống.
Bệnh nhân âm hư, hoả vượng dùng phải thận trọng.
Hạt vải chữa dạ dày lạnh đau, thoát vị bẹn, tinh
hoàn sưng đau, đau kinh. Liều dùng 3 - 6g/ngày, thường dùng phối hợp vói các vị
trần bì, mộc hương.
Ngoài ra, hoa, vỏ thân và rễ vải sắc lấy nước súc miệng
chữa viêm họng, đau răng.
Ở Trung Quốc, quả vải được dùng chữa bệnh chân voi,
lao hạch, ở Malaysia, hạt vải là thuốc giảm đau, chữa đau dây thần kinh, viêm
tinh hoàn.
Bài thuốc có vải:
1. Chữa tiêu chảy do tỳ hư:
Quả vải 7 quả, đại táo 5 quả. Sắc nước uống.
2. Chữa nấc:
Quả vải khô 7 quả, gừng tươi 6g, đường đỏ một ít. Sắc
nước uống.
3. Chữa đau bụng khi hành kinh hoặc sau khi đẻ:
Hạt vải đốt tồn tính 20g, hương phụ 40g, tán nhỏ, trộn
đều. Mỗi lần uống 8g với nước muối nhạt hoặc nước cơm. Ngày 2 - 3 lần (Nam dược
thần hiệu).
4. Chữa tinh hoàn sưng đau:
Hạt vải đốt thành than hổà với rượu uống. Mỗi ngày
4- 6g. Hoặc lấy 49 hạt vải, thái mỏng, sấy khô, tán nhỏ; trần bì 36g sấy khô,
tán nhỏ, lưu hoàng 16g. Cả 3 vị nghiền thành bột, trộn với nước cơm và ít muối
làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Mỗi lần đau uống 9 viên với rượu, ngày dùng
không quá 3 lần.
5. Chữa răng sưng đau:
Quả vải xanh để cả vỏ đốt tồn tính, tán nhỏ xát vào
chân răng.
6. Chữa đau dạ dày:
Hạt vải 3g, mộc hương 2g. Nghiền thành bột, uống với
nước canh. Ngày 3 lần.
0 Comment:
Post a Comment