Search This Blog

TRÔM HÔI (mủ)-Vị thuốc nhuận trường, mát gan, bổ dưỡng, trị nám

TRÔM



Tên khoa học: 

Sterculia foetida L.; Họ: Trôm (Sterculiaceae).

Tên khác: 

Chim chim rừng, trôm hôi, cây quả mõ, mạy trôm (Tày).

Tên nước ngoài: 

Poon tree, wild almond, Java olive, bottle- tree (Anh); arbre puant, bois de merde, sterculie fetide (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây to, cao 25 - 30m. Thân thẳng, hình trụ, cành có những sẹo lá hình tim. Lá kép chận vịt, mọc so le, có cuống dài, lá chét 10 - 11, hình mác, mặt trên nhạt, mặt dưới màu lục xám; lá kèm dễ rụng.
Cụm hoa mọc ở ngọn gồm những chùm hẹp, nhẵn, dài 15 - 20cm; hoa màu đỏ có mùi rất thối; đài hình ống có lông; hoa đực có cuống bộ nhị mở thành dạng chén ở đầu, bao phấn 15 - 20; hoa cái có bầu hình cầu họp bởi 5 lá noãn, mỗi lá noãn có 8 - 15 noãn.
Quả gồm 5 đại choãi ra, màu đỏ, nhẵn, có lông, mỗi đại khi mở nom giống cái mõ; hạt 10 - 15, màu đen, nhẵn.
Mùa hoa: tháng 2 - 4; mùa quả; tháng 5 - 9.

Trôm hôi: Sterculia foetida
Trôm hôi: Sterculia foetida L.

Phân bố, sinh thái:

Chi Sterculia L. có 25 loài, ở Việt Nam, hầu hết là cây thân gỗ hay cây bụi. Loài trôm được coi là cây gỗ cổ nhiệt đới, phân bố khá rộng rãi từ vùng Nam Trung Quốc trở xuống, ở Việt Nam, trôm mọc rải rác ở vùng rừng cây lá rộng thường xanh, trên núi đất hay núi đá. Đôi khi cây cũng được trồng ở quanh làng bản, bờ hồ để lấy bóng mát.
Trôm rụng lá hàng năm vào mùa đông. Đến tháng 3, từ các chồi ngủ mọc ra các lá non, đồng thời cây cũng bắt đầu có hoa. Quả trôm chứa nhiều hạt và chín vào cuối mùa thu. Khi chín, quả khô tự mở cho hạt thoát ra ngoài. Cây con mọc từ hạt được thấy vào cuối mùa xuân hay mùa hè.

Bộ phận dùng:

Lá và vỏ cây thu hái quanh năm, thường dùng tươi.
Hạt thu ở những quả già vào tháng 12-1 dùng để lấy dầu.

Thành phần hóa học:

Hạt trôm chứa nước 35,6%, protein 11,4%; chất béo 35,5% và chất vô cơ 2,4%, gồm Ca 33, phospho 415, sắt 1,7 magnesi 274, kali 517, sulfur 122, đồng 0,82, thiamin 0,061, riboflavin 0,084, acid nicotinic 1,1 và vitamin C 5 mg/100g.
Dầu hạt có các hằng số sau: tỷ trọng 15,5° 0,9264; n40o 59,8 (Zeiss), điểm đông đặc -6°; chỉ số acid 75,8; chỉ số xà phòng 193,8; acid béo tự do 1%, dầu thương mại chứa 10,2% acid béo tự do (tính theo acid oleic).
Thành phần acid béo gồm các acid sterculic 71,8%, linoleic 1,9%, oleic 8,2%, lauric 0,1%, myristic 6,6%, palmitic 10,5% và stearic 0,9% (The wealth of India vol X, 1976, 44).
Lá trôm chứa isoscutellarin, procyanidin β - D - glucosid, 6 - O - β - D glucuroiiyl luteolin và cyanidin -3-0 glucosid.
Rễ có leuco anthocyanidin 3 - O - α - L rhamnopyranosid và querectin rhamnosid (j. indian chem. soc. 1991, 68, 426).
Trong cây trôm, người ta còn thấy một lượng nhỏ chất acid béo cyclopropenoid. Chất này có tác dụng chống nấm, người ta giả định rằng cây tạo ra chất này để chống nấm cho cây.
Các chất phosphatidylcholin, phosphatidylethanolamin, phosphatidyl inositol là những thành phần chủ vếu của các phospholipid có trong hạt trôm bên cạnh một acid béo lạ là petroselinic cũng được tìm thấy với lượng nhỏ trong phần phospholipid của trôm.

Tính vị, công năng:

Theo tài liệu nước ngoài, vỏ thân và lá trôm có tác dụng nhuận tràng, làm ra mồ hôi và lợi tiểu, vỏ thân và hạt với liều lớn gây sẩy thai. Hạt có nhiều dầu, ăn với lượng lớn gây nôn, chóng mặt, tẩy. Dầu hạt có tác dụng nhuận tràng nhẹ, lợi trung tiện. Nước sắc vỏ quả có chất nhầy, có tác dụng gây săn se.

Công dụng:

Dầu hạt trôm có thể dùng xào nấu thức ăn, nhưng chủ yếu để thắp sáng, ở Campuchia, dầu hạt được dùng để rửa mặt và khô dầu chữa ghẻ ngứa. Nhựa mủ tiết ra từ cây ăn mát. Ở Java và Philippin, vỏ thân và lá non cây trôm được dùng chữa thấp khớp, thủy thũng. Nước sắc lá trôm để rửa vết thương đã mưng mủ. Dịch ép từ lá non chữa sốt; phối hợp với Piper cubeba L. làm thuốc chữa ho. Hạt đôi khi được dùng làm thuốc nhuận tràng, tẩy và cũng dùng làm thực phẩm, ở Campuchia, người ta dùng vỏ thân cây trôm làm thuốc hạ sốt, nước sắc lá rửa vết thương, vết loét và chữa một số bệnh ngoài da.
- Mủ trôm (gôm) là nước giải khát và bổ dưỡng, làm mát gan, thanh nhiệt, giải độc, nhuận trường, chứng đầy hơi (hạ khí), cung cấp nhiều khoáng chất vi lượng tốt cho da và máu làm cho làn da tươi đẹp, giảm stress…

Lưu ý liều lượng khi dùng mủ trôm:

- Không nên dùng mủ trôm để đun nấu ở nhiệt độ cao: bởi nhiệt độ cao có thể sẽ làm phá hủy cấu trúc của các phân tử polysaccharide (là chất có tác dụng điều hoà đường huyết, ổn định huyết áp, mát gan, giải độc gan, giúp mau lành vết thương) làm ảnh hưởng đến độ nhớt của trôm gây mất tác dụng, vì vậy mủ trôm nấu đường phèn không phải là thức uống có lợi.
- Mủ trôm là vị thuốc quý không chỉ dùng để giải khát mà còn có thể dùng để chữa bệnh, vì thế, không nên dùng mủ trôm không đúng liều lượng mà cần tùy vào tuổi tác, tình trạng sức khoẻ, bệnh lý hoặc cơ địa. Sử dụng bừa bãi mủ trôm như các dạng thức uống khác rất nguy hiểm.
Nếu dùng để nhuận tràng, mỗi ngày chỉ nên dùng 0,5 – 1g bột ngâm trong 200ml nước lọc, nếu dạng thô thì chỉ lấy một thỏi bằng 1/2 lóng tay, rửa sạch rồi ngâm vào 200ml nước để từ tối đến sáng hôm sau mới dùng. Về điểm này, có nhiều người hướng dẫn dùng từ 100 – 150g mủ trôm trong một ngày mà chỉ pha trong 300 – 500ml nước thì rất nguy hiểm, vì lượng nước quá ít không đủ để mủ trôm trương nở dễ gây tắc ruột và tử vong. Liều lượng 100 – 150g trong ngày là quá cao dễ bị ngộ độc.
Lưu ý khi dùng mủ trôm để chữa nhuận tràng, do mủ trôm có đặc tính hút nước trương nở phồng lên và tạo thành một dung dịch có độ nhớt cao, vì thế không nên ngâm với nước nóng. . Nếu ở dạng hạt khi ngâm sẽ khó tan hoàn toàn, thông thường nên ngâm trong khoảng từ 12 – 24 giờ để cho tan hoàn toàn rồi mới dùng, còn ở dạng bột mủ trôm nên ngâm khoảng 3-4 giờ sẽ trương nở và tan hoàn toàn để tạo thành một dung dịch keo đồng nhất. Khi dùng, tốt nhất nên ngâm trong nước lạnh với tỷ lệ thấp (0,5 – 2%), lúc này mủ trôm sẽ hút nước từ từ và trương nở thành dạng keo.
Đối với mủ trôm, một điều quan trọng cũng cần lưu ý là cần phải tìm mua được loại mủ trôm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nếu không mủ trôm sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người sử dụng. Hiện nay, có nhiều người còn có quan niệm là mủ trôm có khả năng giảm cân, chống béo phì, tuy nhiên, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, mủ trôm chỉ góp phần cải thiện mỡ trong máu, do uống nhiều nước làm tăng cảm giác no và điều tiết lượng đường trong máu ở người thừa cân, béo phì hoặc đái tháo đường.

Lưu ý về đối tượng dùng mủ trôm:

- Người đang uống thuốc chữa bệnh không nên dùng mủ trôm bởi chúng có thể gây ngộ độc. Nguyên nhân là do mủ trôm có độ nhớt cao sẽ làm tăng nồng độ hấp thu của thuốc vào máu khi uống mủ trôm cùng lúc với một loại thuốc chữa bệnh nào đó. Sự tăng hấp thu này có thể gây ngộ độc thuốc. Để ngăn ngừa, tốt nhất nên uống mủ trôm ít nhất một giờ sau khi uống thuốc.
- Phụ nữ đang trong thời kì nuôi con như có thai hoặc cho con bú.
- Người gặp vấn đề về đường ruột như khối u trong ruột.
- Người có tính hàn, hay bị lạnh bụng, đi ngoài
Ngoài ra, mủ trôm còn có thể dụng làm kem dưỡng da và trị nám do có thành phần tinh khiết là mủ trôm. Kem mủ trôm còn có tác dụng dưỡng da, đặc biệt có thể điều trị mụn, nám, tàn nhang, da sạm, da sần, lão hóa da, vết thâm do mụn lâu ngày để lại, se khít lỗ chân lông. Kem mủ trôm tự nhiên có tác dụng giữ ẩm cho làn da nhất là mụn, tàn nhan, nám da, chống lão hóa, các vết thâm do mụn lâu ngày để lại, da khô, sần sùi, hở chân lông.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
Baithuochay*net
FOC Vol. 12 Page 304, 305
The Plant List 2013; ver 2.0

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com