Search This Blog

CHÂU CHẤU-Món ăn bài thuốc

CHÂU CHẤU



Tên khoa học:

Oxya chinensis Thunb.; Họ Châu chấu (Acrididae).

Tên khác: 

Châu chấu lúa.

Tên nước ngoài: 

 Locust (Anh), sauterelle (Pháp).

Mô tả:

Loài côn trùng, cánh thẳng. Thân dài 3-4 cm, màu lục vàng hoặc vàng nâu bóng. Đầu hình tam giác tù, râu dạng sợi ngắn và mảnh, mắt kép to có một vệt dọc màu nâu sẫm chạy suốt hai bên lưng ngực. Lưng dài hơn đầu, bụng có ngấn. Hai cánh dày phẳng, kéo dài quá bụng. Hai chân sau to, có khả năng nhảy xa.
Còn có châu chấu tre lưng vàng (Ceracris kiangsu Tsai) và châu chấu tre lưng xanh (Ceracris nigricornis) cũng được sử dụng.

Châu chấu: Oxya chinensis
Châu chấu: Oxya chinensis Thunb.

Phân bố, sinh thái:

Châu chấu phân bố ở nhiều nước thuộc châu Á và châu Phi. Sống riêng rải rác hoặc tập hợp thành đàn đông đến hàng triệu con, có thể di cư từ vùng này đến vùng khác rất xa. Lúc này, sức tàn phá mùa màng và cây cối của những "đám mây" châu chấu thật khủng khiếp. Do đó, người dân trên thế giới coi dịch châu chấu không khác gì các dịch bệnh khác.
Ở Việt Nam, châu chấu sống khắp nơi trên ruộng lúa, nương ngô, lạc, đậu, trong lùm bụi, đám cỏ, cây ăn quả và cây công nghiệp. Đẻ trứng trong đất nhất là đất cát, đất xốp sâu khoảng 10 cm, nơi có nhiều cỏ dại thành từng ổ, mỗi ổ có rất nhiều trứng màu vàng, giống như hạt gạo. Khoảng 12 ngày (mùa hè), 21 - 28 ngày (mùa thu, xuân) và 45 ngày (mùa đông), trứng nở rải rác trong thời gian 3-5 ngày.

Bộ phận dùng:

Toàn con châu chấu, tên thuốc là trách mãnh, thu bắt vào lúc trời khô ráo, đem về; vặt bỏ cánh, chân, rồi phơi hay sấy khô. Khi dùng, sao qua hoặc đốt tồn tính, tán bột.

Thành phần hóa học:

Châu chấu chứa 24,3% protid, 3,6% lipid, 210 mg% Ca, 270 mg% P, 0,4 mg% Fe và cung cấp 133 calo/100g thịt.

Tính vị công năng:

Châu chấu có vị ngọt, cay, tính ấm, có tác dụng trấn kinh, giải độc, bình suyễn, mạnh cơ thể.

Công dụng:

Về mặt thực phẩm, châu chấu là loại côn trùng giàu protein và chất béo. Ở Việt Nam, đồng bào các dân tộc ở miền núi và nhân dân ở đồng bằng đôi khi bắt châu chấu làm sạch, rang vàng với lá chanh dùng trong bữa ăn hàng ngày như món tôm rang. Họ còn bày bán châu chấu đồ chín ở các chợ với khối lượng lớn. Người Malaysia gọi châu chấu là “tôm bay”, cũng dùng ăn và đãi khách, ở Ấn Độ, người ta còn nuôi châu chấu để ăn dần. Ở Thành Đô (Trung Quốc), châu chấu tẩm bột rán là “mỹ vị gia truyền”. Ở Trung Đông, người Ả Rập lại coi châu chấu phơi khô, rang là món "sơn hào, hải vị”. Trong bữa ăn hàng ngày của họ, luôn có món châu chấu rang khô.
Về mặt y học, châu chấu được dùng chữa suy dinh dưỡng, kinh phong ở trẻ em, ho gà, đậu sởi. Mỗi lần dùng 5-10 con sắc hoặc tán bột uống.

Ghi chú: 

Không dùng những con châu chấu có mào nâu mà nhân dân vẫn gọi là “châu chấu ma”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com