Search This Blog

SA SÂM NAM-Launaea sarmentosa-chữa ho khan, ho có đờm

SA SÂM NAM


Tên khoa học: 

Launaea sarmentosa (Willd.) Sch.Bip. ex Kuntze; Họ Cúc (Asteraceae).

Tên đồng nghĩa: 

Prenanthes sarmentosa Willdenow, Phytographia, 10. 1794; Launaea pinnatifida Cassini; Microrhynchus sarmentosus (Willdenow) Candolle.

Tên khác: 

Cỏ chân vịt, hải cúc.

Tên nước ngoài: 

Pissenlit maritữne, salade des dunes (Pháp).

Đặc điểm thực vật (Mô tả):

Cây thảo, sống lâu năm. Rễ mảnh, mềm, màu vàng nhạt. Thân bò dài 20 - 30 cm, bén rễ ở các mấu và mọc chồi thành cây mới. Lá mọc thành hoa thị, phiến hình mác dài 3 - 8 cm, rộng 0,5 - 1,5 cm, chia thùy lông chim không đều, gốc thuôn dần, đầu tù tròn, các thùy to dần về phía đầu lá.
Cụm hoa thưa, mọc ở giữa túm lá thành đầu hình trụ; lá bắc ngoài không đều, lá bắc trong bằng nhau; hoa màu vàng, mào lông màu trắng, tràng hình lưỡi có ống ngắn, 5 răng nhỏ; nhị 5.
Quả bế hình trụ có cạnh và mào lông dễ rụng.
Mùa hoa quả : tháng 4-6.

Phân bố, sinh thái:

Chi Launaea Cass. gồm một số loài đều là cây thảo, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới thuộc châu Á và châu Phi. Ở Việt Nam có 2 loài; loài sa sâm nam chỉ thấy phân bố ở vùng ven biển và các đảo lớn, từ Quảng Ninh, Hải Phòng vào đến Đồng Nai. Cây cũng phân bố ở vùng ven biển phía nam Trung Quốc (đảo Hải Nam), Ân Độ, Ai Cập và một số nơi ở châu Phi.
Sa sâm nam có phần trên mặt đất thường lụi vào mùa đông (ở các tỉnh phía bắc). Toàn bộ phần rễ và gốc sẽ mọc lên chồi mới vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè năm sau. Cây ưa sáng, chịu được mặn; thường mọc trên bãi cát ven biển, thành từng đám hoặc rải rác thành khóm riêng rẽ lẫn với một số loài cây thảo khác như muống biển, cỏ chông, dừa cạn, củ gấu biển... Cây ra hoa quả hàng năm; quả có túm lông thuận lợi cho việc phát tán nhờ gió.

Bộ phận dùng:

Toàn cây (Herba Launaeae Sarmentosae) thu hái vào các tháng 3 - 4 và 8 - 9, rửa sạch bằng nước vo gạo, đồ chín rồi phơi khô. Có nơi thu hái về rửa sạch, ngâm nước phèn chua 1/5 hoặc 2/5, phơi cho se, xông diêm sinh hơn một giờ rồi mới phơi khô. (Đỗ Tất Lợi - Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, 1999, trang 816).

Tính vị, công năng:

Sa sâm nam có vị ngọt, nhạt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế, có tác dụng bổ, mát phổi, giảm ho, long đờm, lợi sữa, nhuận tràng, lợi tiểu.

Công dụng:

Lá sa sâm nam được dùng làm rau ăn sống như rau xà lách hoặc nấu canh.
Toàn cây để tươi được dùng làm thuốc lợi sữa cho người và trâu bò. Ngày 20 - 30g. Toàn cây hoặc lá, giã nát đắp chữa đau khớp phồng rộp do chạm phải con sứa khi tắm biển.
Rễ cây phơi khô sao vàng chữa sốt, háo phổi, ho khan, ho có đờm. Ngày 15 - 20g, sắc uống. Để nhuận tràng, lợi tiểu, có thể dùng rễ dạng sống, không phải sao.

Bài thuốc có sa sâm nam

1. Thuốc bổ mát chữa cảm sốt:

Rễ sa sâm nam, rễ vú bò, hà thủ ô, bạch truật nam, rễ gai, mỗi vị 20g; hoài sơn, rễ sài hồ nam, cam thảo, mỗi vị 12g; trần bì 8g; gừng 4g. Tất cả phơi khô, thái nhỏ, sắc uống làm 2 lần trong ngày. Có thể tán nhỏ, rây lấy bột, trộn với mật ong, làm viên, uống mỗi lần 10 - 20g, ngày 2-3 lần.

2. Chữa viêm phổi, ho đờm, tức ngực:

Rễ sa sâm nam 15g, tía tô 10g, gừng nướng 5 lát, cửu lý hương sao 4g, chè tàu 2g, chanh non 1 quả (thái mỏng sao), sắc uống làm 2 lần trong ngày (kinh nghiệm của Hội y học dân tộc Quảng Nam - Đà Nẵng).

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com