Search This Blog

THUỐC BỘT

THUỐC BỘT



A. ĐỊNH NGHĨA

Thuốc bột là một loại thuốc thể rắn, rời. Điều chế bằng cách tán dược liệu động vật, khoáng vật và thực vật, đến độ nhỏ nhất định. Rây qua các cỡ rây thích hợp rồi trộn đều với nhau.
Thuốc bột có thể dùng uống thẳng như thuốc gói hoặc hoà tan trong dung môi thành những dung dịch thuốc, hoặc chế thành thuốc viên, thuốc đạn , thuốc cốm...
Thuốc bột có 2 loại:
- Thuốc bột chỉ có một dược chất gọi là bột đơn.
Thí dụ: bột Cam thảo, bột Đinh lăng...
- Thuốc bột gồm nhiều dược chất gọi là bột kép.
Thí dụ: bột Lục nhất, bột Đau dạ dày, bột ỉa chảy...

B. CÁCH BÀO CHẾ

1. Dụng cụ để bào chế thuốc bột.

- Thuyền tán.
- Cối, chày (sứ, đồng, sắt);
- Rây (đồng, lụa).
Ngày nay trong dây chuyền công nghệ dược phẩm việc sản xuất thuôc bột người ta dùng các thiết bị như máy xay, máy tán, máy rây, máy trộn bột.

2. Cách bào chế thuốc bột đơn.

Những dược liệu là khoáng chất (hoá chất) có đủ tiêu chuẩn, đúng quy cách thì đem tán ngay thành bột bằng phương pháp thích hợp, rồi rây qua rây. Dược liệu là thảo mộc, động vật thì trước khi tán còn phải chế biến như lựa chọn, bào, thái mỏng, sao tẩm, sấy khô, tán nhỏ rồi rây.

3. Cách bào chế thuốc bột kép.

Điều chế bột kép cần theo những nguyên tắc sau:
- Tán riêng rẽ từng dược liệu một.
- Rây qua rây cùng một cỡ số cho có độ mịn bằng nhau.
- Trộn đều các bột thuốc trong cối, thứ nào ít cho vào trước rồi cho dần từng ít một những thứ bột nhiều vào sau, mỗi lần cho thêm bột vào phải trộn đều rồi mới cho thêm lượt khác (số lượng bột cho mỗi lần bằng lượng bột đã có trong cối).
Trộn xong rây hỗn hợp lại một lần nữa.
- Trường hợp trong thành phần bột kép có chất độc bảng A, B;
+ Nếu là bột độc không màu thì cho vào cối bột độc có số lượng ít nhất đầu tiên rồi thêm bột có màu (thường dùng bột phẩm ăn màu đỏ hay hồng, không được dùng phẩm nhuộm vì độc) để dễ nhận biết hỗn hợp bột đã trộn đều chưa.
Khi đã đều thì trộn dần dần các bột khác vào trộn đều như trên.
+ Nếu bột độc là chất có màu (như Chu sa, Thần sa) thì không cần thêm bột màu. Nếu lượng bột độc A, B ít quá thì trước khi cho vào cối nên cho một ít bột trơ để láng cối.
Chú ý: Bào chế bột kép không có chất độc thì có thể tán chung các dược liệu rồi rây, không nhất thiết phải tán riêng từng thứ.
Thuốc bột kép để 2-3 tháng nên trộn lại cho đều.

4. Bảo quản và đóng gói thuốc bột.

Các thuốc bột nói chung đều dễ bị hỏng, lên men, mốc, mất mùi thơm cần phải bảo quản trong hộp hay chai lọ thật khô ráo, đậy nắp kín để nơi mát khô. Thuốc bột nên chia sẵn thành những gói nhỏ có liều lượng nhất định cho tiện sử dụng.

5. Tiêu chuẩn kỹ thuật.

Thuốc bột đơn hay kép đều phải đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật sau:
- Mầu sắc, mùi vị; Có màu sắc, mùi vị của dược liệu dùng để chế thuôc bột.
- Độ mịn: Bột mịn vừa, đồng nhất, khi nén xuống thành một mặt nhẵn bóng.
- Sai số khối lượng: Gói 5g hoặc 10g bột được sai số ±5%.

C. GIỚI THIỆU MỘT SỐ THUỐC BỘT ĐƠN

1. Bột Cam thảo

Cách làm: Rễ Cam thảo cạo sạch vỏ, thái lát mỏng, sấy khô, tán thành bột mịn. Bột màu vàng nhạt, vị ngọt, mùi đặc biệt.
Công dụng: Để pha nước Cam thảo dùng trong các trường hợp ngộ độc (Giải độc). Để chế thuốc viên.
Bảo quản: Rất dễ bị mốc, phải để trong lọ kín nơi khô ráo.

2. Bột phèn phi

Cách làm: Phèn chua (Bạch phàn) rửa sạch, đem
nung trên chảo gang (hay miếng sắt) cho phồng bay hết
hơi nước. Để nguội cho vào côl tán nhỏ, rây. Bột màu
trắng, vị chua.
Công dụng: Trị thối tai, chảy nước (rửa sạch tai thấm hết nước mủ, thổi bột phèn vào) hoặc dùng bột Phèn rắc vào vết thương để cầm máu.
Bảo quản: Bột rất dễ hút ẩm chảy nước phải để trong lọ kín nơi khô ráo .

3. Bột Đinh lăng

Cách làm: Lấy củ rễ cây Đinh lăng (loại cây Đinh lăng lá nhỏ) rửa sạch, tách lấy vỏ (bỏ lõi rắn) thái nhỏ, sấy (phơi khô), tẩm rượu hoặc Gừng, sao vàng thơm. Tán nhỏ rây. Bột màu vàng nhạt, vị ngọt hơi đắng.
Công dụng: Dùng trong các trường hợp cơ thể suy nhược, lao động mệt mỏi.
Cách dùng: Uống thẳng hay hãm nước uống. Uống trước bữa ăn 1 giờ. Ngày uống 6-12g.
Bảo quản: Để trong lọ khô, kín, thỉnh thoảng đem sấy, đề phòng nấm môc.

4. Bột Ô tặc cốt

Cách làm: Mai mực đem sấy khô tách bỏ vỏ cứng ở ngoài, rửa rồi ngâm nước vo gạo hai ngày một đêm (thay nước vo gạo hàng ngày). Rửa lại đem luộc sôi 1 giờ (tiệt khuẩn). Sấy khô tán thành bột mịn.
Công dụng: Chữa đau dạ dày, do thừa dịch vị, phụ nữ bạch đới, bế kinh.
Cách dùng: Ngày uống 6-12g.
Bảo quản: Để nơi kín khô ráo.

D. GIỚI THIỆU MỘT SỐ THUỐC BỘT KÉP

1. Bột Lục nhất

Bột Cam thảo (1 phần) 4g
Bột Hoạt thạch (6 phần) 24
Cách làm: Rễ Cam thảo cạo sạch vỏ, thái lát mỏng, sấy khô tán bột mịn, đem trộn đều với bột Hoạt thạch. Bột màu trắng ngà, vị ngọt Cam thảo.
Công dụng: Dùng chữa sốt nóng, đi tiểu khó khăn, nước tiểu đỏ.
Cách dùng: Ngày uống 4g với nước nóng.

2. Bột thoái nhiệt tán

Bột Cam thảo 4g
Bột Hoạt thạch 24g
Bột Xuyên khung 8g
Bột Bạch chỉ 8g
Bột Sắn dây 12g
Cách làm: Xuyên khung rửa sạch, ủ 48 giờ đem bào mỏng (1-2mm), phơi khô, tẩm rượu 1 đêm, sao thơm tán thành bột mịn. Bạch chỉ rửa sạch, ủ 3-5 giờ cho mềm, thái lát mỏng phơi trong râm cho khô (có thể sấy ở nhiệt độ 50°C) tán bột mịn.
Cam thảo cạo sạch vỏ, sắn dây thái lát mỏng, sấy khô tán bột mịn. Sau khi tán xong các bột thì cho bột Hoạt thạch vào cối sau đó cho dần từng thứ bột trên vào trộn cho tới khi thật đều. Đem rây lại một lượt. Bột thoái nhiệt tán có màu ngà vàng, vị ngọt có mùi thơm của Bạch chỉ và Xuyên khung.
Công dụng: Làm thuốc giải cảm, hạ nhiệt, giảm đau, chữa nhức đầu.
Cách dùng: Ngày uống 14-25g chia làm 3 lần.
Bảo quản: Dễ bị mốc và mất mùi thơm nên phải đựng trong lọ kín, để nơi khô mát.

3. Bột tiêu thực

Củ Gấu (sao) 40g
Vỏ Quýt (sao thơm) 25g
Vỏ Vối (sao vàng) 25g
Vỏ Dụt (sao) 30g
Củ Sả (sao vàng) 25g
Hoắc hương 16g
Gừng khô 4g
Cách làm: Tất cả các vị đều đem tán nhỏ (tán riêng từng vị) sau đó trộn đều.
Công dụng: Chữa các trường hợp đau bụng, đầy bụng, ợ hơi, nôn mửa, đau bụng đi ỉa chảy kèm theo sốt do ăn uống quá độ, tỳ vị không tiêu hoá được mà gây nên.
Cách dùng: Người lớn mỗi lần uôiig 2 thìa cà phê. Trẻ em tuỳ tuổi mỗi lần uống 1/2 thìa cà phê. Uống với nước chín.
Bảo quản: Đựng lợ nút kín, tránh ẩm.

4. Bột ỉa chảy 1

Rau Má tươi 200g
Lá Mơ tươi 280g
Hạt bông mã đề (sao) 60g
Búp ổi (sao vàng) 50g
Bạch biển đậu (sao vàng) 40g
Cách làm: Rau má, lá Mơ giã nhỏ, vắt lấy nước sấy khô, cạo lấy bột. Còn các vị khác sao giòn tán mịn, trộn đều với các vị trên.
Công dụng: Trị bệnh ỉa chảy nhiệt.
Cách dùng: Người lớn mỗi lần 1-2 thìa cà phê. Trẻ em mỗi lần uông 1/2-1 thìa cà phê. Uống với nước đun sôi để nguội.
Bảo quản: Dễ mốc - Đựng lọ kín, tránh ẩm.

5. Bột ỉa chảy 2

Củ Gấu (sao cháy vỏ) 40g
Vỏ Quýt (sao thơm) 20g
Củ Sả (sao vàng) 30g
Củ Riềng (sao vàng) 20g
Búp Ổi hoặc giộp ổi (sao) 40g
Cách làm: Các vị sao giòn, táĩi nhỏ, trộn đều.
Công dụng: Trị bệnh ỉa chảy hàn.
Cách dùng: Người lớn uống mỗi lần 1-2 thìa cà phê. Trẻ em tuỳ tuổi mỗi lần uống 1/2-1 thìa cà phê. Uống với nước ấm.
Bảo quản: Đựng lọ nút kín, tránh ẩm.

TÀI LIỆU DẪN: THUỐC ĐÔNG Y CÁCH SỬ DỤNG - BÀO CHẾ - BẢO QUẢN, 2002

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com