Search This Blog

BẠC HÀ CAY-Công dụng cách dùng

BẠC HÀ CAY



Tên khoa học: 

Mentha piperita Huds.; Họ Bạc hà (Lamiaceae).

Tên khác: 

Bạc hà ngoại.

Tên nước ngoài: 

Peppermint (Anh), menthe poivrée (Pháp).

Mô tả:

Cây thảo, sống lâu năm. Thân ngầm, mọc bò lan, bén rễ ở những mấu. Thân hình vuông, phân nhánh nhiều, thường có màu tím. Lá mọc đối, hình bầu dục hoặc hình mác, gốc tròn, đầu nhọn, mép khía răng đều, vò ra có mùi thơm mát.
Cụm hoa mọc thành chùỳ bông ở ngọn gồm nhiều vòng hoa xếp rất sít nhau; hoa màu trắng hồng; đài hình ống có 5 răng đều, có lông ở đầu; tràng hình phễu, có cánh rộng; nhị 4 không bằng nhau. Quả hiếm gặp. Toàn cây có lông và tinh dầu thơm.
Mùa hoa: tháng 6-9.
Bạc hà cay là dòng lai giữa Mentha aquatica L. và Mentha viridis L.

Phân bố, sinh thái:

Chi Mentha L. có khoảng 30 loài và một số dạng cây lai; phân bố chủ yếu ở vùng ôn đới ấm Bắc bán cầu, thuộc châu Âu và vùng cận nhiệt đới ở Trung Á. Ở Việt Nam, chi này có 5 loài, trong đó phần lớn là cây trồng. Bạc hà cay được nhập vào Việt Nam từ Hunggarị, Cộng hòa dân chủ Đức và Liên Xô (trước đây) và từ Pháp, vào những năm 1956, 1962, 1967, 1981. Cây ưa khí hậu ẩm mát của vùng ôn đới ấm hoặc vùng cận nhiệt đới. Do đó cây chỉ trồng được ở một số tỉnh phía bắc và ở Đà Lạt - tỉnh Lâm Đồng. Cây sinh trưởng mạnh từ giữa mùa xuân đến giữa mùa hè; ra hoa nhiều nhưng không kết quả. Cây trồng ở Việt Nam cho năng suất chất xanh và tinh dầu thấp, vì vậy không được phát triển rộng.

Cách trồng:

Bạc hà cay là cây ưa sáng, ẩm, và đất tơi, xốp, giàu chất dinh dưỡng, độ pH thích hợp là 5 - 7. Cây chỉ sinh trưởng, phát triển bình thường trong điều kiện ngày dài (hơn 12 tiếng), nhiệt độ trung bình ngày 18 - 19°C. Ở điều kiện nhiệt độ trung bình ngày thấp hơn và ngày ngắn, giai đoạn sinh trưởng của cây bị kéo dài và cây không ra hoa. Nhiệt độ quá cao (trên 35°C), hàm lượng và chất lượng tinh dầu đều giảm do bị bay hơi và hóa nhựa.
Bạc hà cay dược di thực vào Việt Nam với hiệu quả kinh tế thấp: cây hầu như không ra hoa hoặc ra hoa rất muộn. Thời vụ trồng, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến bạc hà cay cũng tương tư như bạc hà nam.

Bộ phận dùng:

Lá khi cây ra hoa (Folim Menthae Piperitae).
Tinh dầu cất từ phần trên mặt đất dược tinh chế bằng cách cất lại theo cách cất kéo hơi nước.

Thành phần hóa học:

Bạc hà cay chứa các flavonoid (menthosid, isorhoifolin, hesperetin, eriodiclyol-1-O- rutinosid, luleolin-7-O-rutinosid và rutin), phytol, các tocopherol (α và g), carotenoid (α- và β- carolen), betain, cholin, azulen, acid rosmarinic và tanin.
Các flavonoid có tác dụng lợi mật trên chó.
Bạc hà cav còn chứa 0,1 - 1,0% (thông thường 0,3 - 0,4%) tinh dầu trong đó có menthol 29 - 48%, menthon 20 - 31%, menthyl acetat 3 - 10%, menlhofuran 1 - 7%, limonen. Các thành phần khác trong tinh dầu bạc hà cay là viridiflorol, pulegon 1 - 11%, 1,8 - cineol 6 - 7,5%, piperiton, caryophylen, bisabolen, isomenthon, isomenthol α- và β-pinen, neomenthol, ledol, d-trans-sabinen hydrat, bicycloclcmen...
Menthol có nhiều đồng phân: Neomenthol, Isomenthol, Neoisomenthol
Menthol thiên nhiên tả tuyền, còn menthol tổng hợp có thể hữu tuyền hay racemic. Dược điển Việt Nam II quy định tinh dầu phải chứa 60% menthol toàn phần và 9% menthol ở dạng ester (biếu thị bằng menthylacelat).
Khi cất tinh dầu, người ta để héo cây bạc hà trong 24 giờ, rồi mới cất để chuyển hóa menthon thành menthol. Lá non có nhiều menthon hơn.
Ở nụ hoa, có nhiều menthofuran. Menthofuran có mùi thơm dễ chịu, cần có trong tinh dầu với một lượng nhỏ. Nhưng có nhiều lại dễ bị oxy hóa, tinh dầu dễ hóa nhựa.
Một số nhà khoa học trên thế giới đã lai tạo dược nhiều chủng loại M. piperita mới, mỗi chủng lại giàu riêng từng chất như menthol, menthofuran, piperiton oxyd, linalol và caryon.
Một số chủng giàu menthol đã được đưa vào sản xuất đại trà. Bạc hà M 183 có hàm lượng tinh dầu 3,2 - 3,5%. Tinh dầu chứa 77,6% menthol, 3,5% menthol ester. Bạc hà MC 41 có hàm lượng tinh dầu 4,46%, tinh dầu chứa 85,4% menlhol.
Tinh dầu thu được có mùi thơm dễ chịu. Tinh dầu bạc hà Mitcham rất được ưa chuộng.
M. piperita trồng ở Việt Nam cho năng suất tinh dầu chưa cao, nên chưa được phát triển.

Tác dụng dược lý:

Trong thử nghiệm in vitro trên các chủng vi khuẩn và nấm: Bacillus subtilis, Micrococcus glulamicus, Staphylococcus aureus, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli, Aspergillus fumigatus, Candida albicans, Microsporum canisTrichophyton rubrum, tinh dầu bạc hà cay biểu lộ tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương mạnh hơn so với vi khuẩn gram âm, và tác dụng ức chế sự nảy mầm của bào tử các men, mốc và nấm da thử nghiệm. Có tác dụng diệt Trichomonas vaginalis in vitro ở nồng độ 100 µg/ml; tác dụng này của tinh dầu bạc hà cay yếu hơn so với metronidazol. Có tác dụng ức chế co cơ trơn hồi tràng chuột lang cô lặp gây bởi kích thích diện. Cơ thắt Odii, được gây co bởi morphin hydroclorid, dãn ra khi tiêm tĩnh mạch cho động vật thí nghiệm nhũ dịch tinh dầu bạc hà cay với liều 0,1 - 1 mg/kg.
Tinh dầu bạc hà cay có tác dụng chống co thắt gây bởi những chất gây co thắt khác nhau do một cơ chế đối kháng không đặc hiệu. Menthol trong tinh dầu bạc hà có tác dụng gây tê được chứng minh trong thử nghiệm in vivo trên phản xạ kết mạc ở thỏ và in vitro trên tiêu bản dây thần kinh hoành - nửa cơ hoành chuột cống trắng, Acid rosmarinic và những dẫn chất hydroxycinnamic có trong bạc hà cay có hoạt tính chống oxy - hóa. Acid rosmarinic còn có tác dụng kháng siêu vi khuẩn, kháng khuẩn và chống viêm. Các thành phần flavonoid cũng góp phần vào hoạt tính chống oxy - hóa.

Công dụng:

Ở các nước châu Âu, dùng các ngọn mang hoa phơi khô của bạc hà cay để chế các đồ uống, và chè bạc hà dùng dưới dạng nước hãm. Cũng được dùng trong công thức chế các rượu mùi và rượu bia đắng. Nước hãm lá bạc hà cay dùng uống làm để tiêu, chống lên men thối rữa, và để an thần, bôi ngoài làm dịu ngứa, và hít để gây long đờm, rượu ngâm lá bạc hà cay uống trị đau bụng, nhức đầu, buồn nôn. Dịch ép từ lá tươi trộn với ít muối, uống trị tiêu chảy.

Bài thuốc có bạc hà cay:

1. Cảm cúm, đau đầu, sổ mũi: 
Dùng Bạc hà 5g, hạt Quan âm, Cúc hoa vàng mỗi vị đều 10g. Kinh giới 7g, Kim ngân hoa 15g, sắc uống.
2. Ðau họng:
Dùng Bạc hà 5g, Ngưu bàng, Huyền sâm, Cát cánh, Cam thảo mỗi vị 10g sắc uống.;

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Viện Dược liệu (2004), “Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam”, tập I, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật
Võ Văn Chi (2013), Từ điển cây thuốc Việt Nam Tập I, Nhà xuất bản Y Học
The Plant List 2013

comment 0 Comment:

Post a Comment

 
© Dược liệu | Digital Millennium Copyright Act (DMCA) ; Email: duoclieuvn@yahoo.com